CHUYÊN ĐỀ HỌC TẬP VÀ LÀM THEO TƯ TƯỞNG, ĐẠO ĐỨC, PHONG CÁCH HỒ CHÍ MINH P.2

490

Khi chọn người đứng đầu Bộ trưởng Nội vụ trong Chính phủ Liên hiệp Kháng chiến Việt Nam, Bác Hồ đã nghĩ, nhớ ngay tới một trí thức nổi tiếng là Huỳnh Thúc Kháng.

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định “Cán bộ là cái gốc của mọi công việc”, “Muôn việc thành công hay thất bại đều do cán bộ tốt hoặc kém”.

Hồ Chí Minh không chỉ là nhà tư tưởng, Người còn là nhà thực hành. Tất cả những nội dung Người nói, Người làm bao giờ cũng thống nhất với nhau. Nhìn lại những bài học về dùng người của Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn còn đó tính thời sự nóng hổi, nhất là vào thời điểm sắp diễn ra Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng.

Trọng dụng người tài đức vì lợi ích quốc gia dân tộc

Lịch sử đã đủ dài để chúng ta cùng nhìn lại rõ hơn cách dùng người thật đặc biệt của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Một trong những điểm đặc sắc nhất trong dùng người của Chủ tịch Hồ Chí Minh là trọng dụng người tài đức vì lợi ích quốc gia dân tộc; tin thì mới dùng, đã dùng thì tin; quan tâm giáo dục đạo đức nhưng cũng đặc biệt nghiêm minh trong xử lý cán bộ sai phạm.

Đã có rất nhiều những câu chuyện nổi tiếng về lựa chọn và sử dụng người tài của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Ngay sau Cách mạng tháng Tám năm 1945, Hồ Chí Minh đã tự tay viết “Thông lệnh tìm người tài đức”. Đây được xem như Chiếu cầu hiền của Chủ tịch nước Việt Nam mới: “Nước nhà cần phải kiến thiết. Kiến thiết cần phải có nhân tài. Trong số 20 triệu đồng bào chắc không thiếu người có tài có đức. E vì Chính phủ nghe không đến, thấy không khắp, đến nỗi những bực tài đức không thể xuất thân. Khuyết điểm đó tôi xin thừa nhận. Nay muốn sửa đổi điều đó và trọng dụng những kẻ hiền nǎng, các địa phương phải lập tức điều tra nơi nào có người tài đức, có thể làm được những việc ích nước lợi dân, thì phải báo cáo ngay cho Chính phủ biết. Báo cáo phải nói rõ: tên tuổi, nghề nghiệp, tài nǎng, nguyện vọng và chỗ ở của người đó. Hạn trong một tháng, các cơ quan địa phương phải báo cáo cho đủ”.

Cũng vậy, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã mời rất nhiều các nhân vật nổi tiếng cùng tham gia gánh vác việc nước. Khi chọn người đứng đầu Bộ trưởng Nội vụ trong Chính phủ Liên hiệp Kháng chiến Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nghĩ, nhớ ngay tới một trí thức nổi tiếng là Huỳnh Thúc Kháng.

Để mời được cụ ra Hà Nội, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã phải nhiều lần đánh điện để rồi sau đó cụ Huỳnh mới quyết định nhận lời. Năm ấy, cụ Huỳnh Thúc Kháng đã 70 tuổi, cái tuổi mà với người Việt Nam khi ấy đã là “nhân sinh thất thập cổ lai hy”. Thế nhưng sau khi ra Hà Nội gặp Chủ tịch Hồ Chí Minh, hai con người đáng kính ấy đã tìm được tiếng nói đồng điệu và cụ Huỳnh đã nhận lời làm Bộ trưởng Nội vụ của Chính phủ.

Cũng câu chuyện cầu hiền, ngày 17/11/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã giao những người thân tín tới tận quê nhà của cụ Bùi Bằng Đoàn, cựu Thượng thư Bộ Hình triều Nguyễn trao một bức thư do đích thân Chủ tịch Hồ Chí Minh đánh máy mời cụ Bùi ra gánh vác việc nước với những lời lẽ hết sức khiêm cung: “Thưa Ngài! Tôi tài đức ít ỏi, mà trách nhiệm nặng nề. Thấy Ngài học vấn cao siêu, kinh nghiệm phong phú. Vậy nên, tôi mời Ngài làm Cố vấn cho tôi, để giúp thêm ý kiến trong công việc hưng lợi, trừ hại cho nước nhà dân tộc. Cảm ơn và chúc Ngài mạnh khỏe. Kính thư. Hồ Chí Minh”.

Sau nhiều lần lưỡng lự, cụ Bùi Bằng Đoàn đã nhận lời và sau này cụ đã lần lượt giữ nhiều chức vụ quan trọng trong chính quyền cách mạng. Một trong những chức vụ mà cụ Bùi Bằng Đoàn đảm nhiệm lâu nhất là Trưởng ban Thường trực Quốc hội (tức Chủ tịch Quốc hội).

Chiến khu Việt Bắc những năm tháng gian khổ chống thực dân Pháp là nơi quy tụ rất nhiều những nhân sỹ, trí thức nổi tiếng đã đi theo Chính phủ kháng chiến giành độc lập vì tinh thần yêu nước, vì sức hút và tấm lòng chân thành của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Thậm chí, có những người khi đương chức đã có những hành động không đúng với Nhân dân như Tổng đốc Thái Bình Vi Văn Định nhưng sau đó vẫn được Chủ tịch Hồ Chí Minh mời và cụ đã trở thành một nhân sỹ nổi tiếng đi theo cách mạng để lại tiếng thơm mãi mãi trong lịch sử.

Trước đó, rất nhiều những người con, người cháu của cụ Vi Văn Định đã từ bỏ cuộc sống giàu sang, phú quý để đi theo cách mạng, trong đó phải kể tới những người con rể và cháu rể nổi tiếng của cụ như: Các con rể Nguyễn Văn Huyên (tiến sỹ văn chương của Pháp, sau này làm Bộ trưởng Giáo dục gần 30 năm); Hồ Đắc Di (bác sỹ người Việt nổi tiếng, con trai của Thượng thư triều Nguyễn, anh vợ vua Khải Định); cháu rể Tôn Thất Tùng (con trai Tổng đốc Thanh hóa Tôn Thất Niên). Ngoài ra, còn phải kể tới hàng loạt những nhân vật nổi tiếng khác, đó là: Phan Kế Toại (Khâm sai đại thần Bắc Bộ của Chính phủ Trần Trọng Kim); Phạm Khắc Hòe (Đổng lý Ngự tiền đức vua Bảo Đại); Tham tri Đặng Văn Hướng; Hồ Đắc Điềm (cựu Tổng đốc Hà Đông); Hoàng thân Ưng Úy, thành viên hoàng tộc Nhà Nguyễn; nhà Hán học nổi tiếng Bùi Kỷ; Phan Anh (Tổng trưởng Thanh niên Chính phủ Trần Trọng Kim) v.v…

Bằng tấm lòng chân thành của mình tất cả vì đất nước và dân tộc, Hồ Chí Minh đã quy tụ quanh mình một đội ngũ lãnh đạo thật sự được xem là “thế hệ vàng” của cách mạng Việt Nam.

Tin thì mới dùng, đã dùng thì phải tin

Một trong những nét rất đặc sắc trong dùng người của Chủ tịch Hồ Chí Minh không thể không nhắc tới là đã tin thì mới dùng, đã dùng thì phải tin.

Năm 1946, trên đường sang thăm nước Pháp theo lời mời của Chính phủ Pháp, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã giao quyền Chủ tịch nước cho cụ Huỳnh Thúc Kháng. Khi ấy xung quanh Hồ Chí Minh có rất nhiều đồng chí thân tín của Người, song Người đã quyết định giao chức Chủ tịch nước khi Người đi vắng cho một nhân sỹ, trí thức không đảng phái với lời dặn nổi tiếng “Tôi vì nhiệm vụ quốc dân giao phó phải đi xa ít lâu, ở nhà trăm sự khó khăn nhờ cậy ở Cụ và anh em giải quyết cho. Mong cụ “Dĩ bất biến, ứng vạn biến”.

Chính bởi sự tin tưởng này của Chủ tịch Hồ Chí Minh nên trên cương vị quyền Chủ tịch nước, cụ Huỳnh Thúc Kháng đã chèo chống đất nước qua những giai đoạn vô cùng khó khăn. Rõ ràng khi giao quyền Chủ tịch nước cho cụ Huỳnh, Hồ Chí Minh đã nhìn thấy ở đó một ngọn cờ có thể quy tụ, tập hợp đoàn kết quốc gia trong bối cảnh Người phải xa Tổ quốc dài ngày. Khi ấy, về tuổi, cụ Huỳnh đã trên 70 tuổi, về học vấn cụ đã đỗ tiến sỹ năm Giáp Thìn 1904, về chức vụ, trước đó cụ đã từng là Viện trưởng Viện Dân biểu Trung kỳ (như Quốc hội miền Trung, về thành tích chống Pháp, cụ có 13 năm ngồi tù Côn Đảo.

Cũng với tinh thần này, sau này, tiễn tướng Võ Nguyên Giáp ra Điện Biên Phủ, Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng chỉ nói với ông rằng “tướng quân tại ngoại”. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã mượn lời người xưa rằng tướng ngoài biên ải nhiều khi không phải nghe lệnh vua để dặn dò vị Tổng tư lệnh của mình. Cũng bởi lòng tin tưởng tuyệt đối ấy của Bác Hồ mà tướng Giáp đã có những quyết định lịch sử để cùng toàn quân và toàn dân làm nên chiến thắng Điện Biên Phủ lẫy lừng.

Luật sư Phan Anh 34 tuổi, tốt nghiệp cử nhân luật Hà Nội và cử nhân văn chương của Pháp. Trong Chính phủ Trần Trọng Kim ông đảm nhiệm chức vụ Bộ trưởng Bộ Thanh niên. Sau này, khi thành lập Chính phủ Liên hiệp Kháng chiến Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã mời ông làm Bộ trưởng Bộ Quốc phòng. Sinh thời, có lần ông đã tâm sự rằng ông không ngờ Bác Hồ lại tin dùng ông như vậy v.v…

Hồ Chí Minh kết hợp nhuần nhuyễn giữa “đức trị” và “pháp trị”

Để lựa chọn và xây dựng được đội ngũ những người thật sự tài năng và tâm huyết với đất nước và dân tộc, từ rất sớm, Hồ Chí Minh đã đặc biệt quan tâm đến giáo dục đạo đức cho cán bộ, đảng viên. Bài học đầu tiên của lớp thanh niên cách mạng ở Quảng Châu, Trung Quốc năm 1927 là bài học “Tư cách một người cách mệnh” do đích thân Hồ Chí Minh soạn bài, đứng lớp. Đã 84 năm trôi qua, song những nội dung của bài giảng ấy vẫn còn nguyên giá trị. Nội dung của bài giảng đã chỉ ra rất cụ thể những yêu cầu về phẩm chất và năng lực của người cán bộ cách mạng: “Tự mình phải: Cần kiệm. Hoà mà không tư. Cả quyết sửa lỗi mình. Cẩn thận mà không nhút nhát. Hay hỏi. Nhẫn nại (chịu khó). Hay nghiên cứu, xem xét. Vị công vong tư. Không hiếu danh, không kiêu ngạo. Nói thì phải làm. Giữ chủ nghĩa cho vững. Hy sinh. Ít lòng ham muốn về vật chất….

Năm 1947, khi cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp đang ở giai đoạn cực kỳ gay go quyết liệt, giữa núi rừng Việt Bắc, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết tác phẩm nổi tiếng “Sửa đổi lối làm việc”. Cuốn sách đã đưa ra rất nhiều các yêu cầu cần có của một người cách mạng. Cho đến những năm cuối đời, Hồ Chí Minh vẫn chưa thôi đáu đáu về giáo dục đạo đức cho cán bộ, đảng viên. Nỗi trăn trở lớn này đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh viết rõ trong tác phẩm “Nâng cao đạo đức cách mạng, quét sạch chủ nghĩa cá nhân”. Đặc biệt, những lời căn dặn đau đáu trong “Di chúc” trước khi đi xa: “Đảng ta là một Đảng cầm quyền… Mỗi đảng viên và cán bộ đều phải thật sự thấm nhuần đạo đức cách mạng, thật sự cần kiệm liêm chính, chí công vô tư. Phải giữ gìn Đảng ta thật trong sạch, phải xứng đáng là người lãnh đạo, người đầy tớ thật trung thành với nhân dân…”.

Là một nhà lãnh đạo đề cao đạo đức, song Hồ Chí Minh thật sự là người đã kết hợp nhuần nhuyễn giữa “đức trị” và “pháp trị”.

Ngay khi nước nhà vừa giành được độc lập, tháng 10 năm 1945, trong Thư gửi Ủy ban Nhân dân các kỳ, huyện, tỉnh và làng Hồ Chí Minh đã lên án gay gắt những biểu hiện trái phép, cậy thế, hủ hóa, tư túng, chia rẽ và kiêu ngạo với những lời lên án đanh thép: “… Cậy thế mình ở trong ban này ban nọ, rồi ngang tàng phóng túng, muốn sao được vậy, coi khinh dư luận, không nghĩ đến dân. Quên rằng dân bầu mình ra là để làm việc cho dân, chứ không phải để cậy thế với dân… Lấy của công dùng vào việc tư, quên cả thanh liêm, đạo đức… Kéo bè, kéo cánh, bà con bạn hữu mình, không tài nǎng gì cũng kéo vào chức này chức nọ. Người có tài có đức, nhưng không vừa lòng mình thì đẩy ra ngoài. Quên rằng việc là việc công, chứ không phải việc riêng gì dòng họ của ai…”.

Người đặc biệt lên án những người mà Người cho rằng lên mặt “quan cách mạng” rằng: “Tưởng mình ở trong cơ quan Chính phủ là thần thánh rồi. Coi khinh dân gian, nói phô, cử chỉ lúc nào cũng vác mặt “quan cách mạng” lên…”. Trả lời chất vấn trước Quốc hội tại kỳ họp thứ 2 quốc hội khóa 1 (khai mạc ngày 23 tháng 10 năm 1946), Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói kỹ và nhấn mạnh: “Chính phủ hiện thời đã cố gắng liêm khiết lắm nhưng trong Chính phủ, từ Hồ Chí Minh cho đến những người làm việc ở Ủy ban hiện đông và phức tạp lắm. Dù sao Chính phủ cũng hết sức làm gương và nêu gương. Nếu làm gương không xong thì dùng pháp luật để trị những kẻ ăn hối lộ, đã trị, đương trị và trị cho kỳ hết”…

Chính bởi kết hợp nhuẫn nhuyễn giữa đức trị và pháp trị nên dù đâu đó vẫn có những vụ việc tham nhũng, tha hóa của cán bộ, đảng viên song thật sự trong giai đoạn ấy, đa phần những cán bộ đảng viên của Đảng đã trở thành những hình mẫu tiêu biểu mà người dân có thể tin tưởng và phó thác…

Lẽ tất nhiên, xã hội luôn luôn biến đổi không ngừng, vì vậy có những giá trị theo thời gian đã “vạn biến”, nhưng vẫn còn đó nhiều giá trị “bất biến” với thời gian. Trong mỗi giai đoạn quan trọng của lịch sử, trở về với Hồ Chí Minh ta lại nhận được những mách bảo thiêng liêng từ Người

TS VŨ TRUNG KIÊN (Khoa Xây dựng Đảng – Học viện Chính trị khu vực 2)