Sáng chế phần mềm xe không người lái

885

Hơn một năm mày mò với quyết tâm cao độ, nhóm kỹ sư 9X, tốt nghiệp chuyên ngành công nghệ thông tin của các trường đại học tại TP.HCM, đã viết thành công phần mềm cho xe không người lái.

Công nghệ xe hơi trong tương lai

Cùng chung đam mê nghiên cứu và chế tạo công nghệ mới, nhóm của Nguyễn Đức Linh (cựu sinh viên Trường ĐH Khoa học tự nhiên TP.HCM) gồm 10 thành viên đã miệt mài ngày đêm sáng chế công nghệ xe không cần người lái.

“Tụi mình muốn hỗ trợ người lái xe đỡ mệt mỏi trên chặng đi dài. Khi đi ở những cung đường đơn giản, ít tình huống giao thông phức tạp thì mình cho hệ thống lái xe tự động điều khiển và thời gian đó mình sẽ nghỉ ngơi, thư giãn. Các công ty về công nghệ sản xuất ô tô trên thế giới đầu tư rất mạnh về mảng này vì nó được xem là công nghệ xe hơi trong tương lai”, Linh lý giải về lý do bắt tay nghiên cứu phần mềm này. “Mình lên xe chỉ cần nói muốn đi tới đâu thì xe tự đi tới đó. Đó sẽ là trải nghiệm thật sự rất thú vị”, Linh hào hứng nói.

Sau hơn một năm nỗ lực, hiện xe đã được chạy thử nghiệm với vận tốc 25 km/giờ, dù phần mềm chỉ mới được nhóm phát triển ở giai đoạn đầu. “Hiện tại xe có thể tự động đánh vô lăng, phanh, né vật cản như xe, người…; tự động nhận diện đèn tín hiệu giao thông cũng như các biển báo giao thông. Trong quá trình di chuyển, xe tự căn làn, chủ động rẽ trái, phải theo vạch chỉ đường. Công nghệ hiện tại sử dụng thuật toán “deep learning” để đưa ra dự đoán góc đánh lái, vận tốc, phanh”, Linh cặn kẽ giải thích

Muôn vàn khó khăn

 Để hoàn thành dự án, 10 thành viên của nhóm mỗi người một nhiệm vụ. Linh viết phần mềm điều khiển và “giao tiếp” với các thành phần của hệ thống.

“Trên xe có rất nhiều thành phần kết hợp lại như bộ xử lý trung tâm để xử lý các tín hiệu từ các camera gửi về và các cảm biến (sensor), các thiết bị điều khiển chuyển động như đánh lái, phanh, ga… Để chúng có thể hoạt động một cách thống nhất và chính xác thì chúng phải nói chuyện được với nhau. Chính vì thế, mình phải viết phần mềm làm sao để các thành phần này có thể giao tiếp được với nhau. Khi đó, bộ xử lý trung tâm ra lệnh thì bộ phận chấp hành phải thực hiện đúng việc đó. Chúng giao tiếp với nhau bằng các message mà nhóm tự định nghĩa”, Linh giải thích khi chúng tôi thắc mắc về nhiệm vụ “giao tiếp” với những thành phần máy móc mà Linh nói.

Theo Linh, để có thể xử lý và né được vật cản một cách chính xác và kịp thời nhất thì đòi hỏi tốc độ xử lý cũng phải nhanh đến rất nhanh. Chính vì thế, hiện nay tốc độ xử lý của hệ thống là 30 ms/frame hình, hay nói cách khác là 30 FPS, tức 30 khung hình trên 1 giây.

Có được những thành công bước đầu như thế, nhóm đã vượt qua nhiều khó khăn và không biết bao lần thất bại. Bởi khi bắt đầu dự án, đa phần các thành viên của nhóm đều chỉ mới tốt nghiệp đại học, kiến thức về công nghệ ô tô vẫn còn rất mới lạ.

“Sáu tháng đầu của dự án, gần như nhóm làm vô định, nghĩ được cách gì thì thử cách đó. Bản đầu tiên là xe mô hình chạy thử vào ngày 15.4.2017, nhưng xe chạy rất tệ. Phải thử nghiệm không biết bao nhiêu lần thì nhóm mới tìm được nguyên nhân và sử dụng thuật toán “deep learning” thay cho “computer vision”. Nhưng việc chạy trên xe mô hình đến xe thật là một quá trình gian nan”, Linh nhớ lại.

Linh cũng chia sẻ thêm: “Tại thời điểm đó, trong nhóm gần như không ai biết gì về công nghệ xe tự lái. Ngoài việc mỗi cá nhân cố gắng mày mò tìm hiểu trên mạng, các nguồn tài liệu thì nhóm còn được đầu tư để tham gia học khóa học về xe tự lái. Từ đó, nhóm mới áp dụng được những cái học được vào xe thật và đưa ra trình làng”.

Trong tương lai nhóm sẽ phát triển để hệ thống chạy ổn định hơn, thẩm mỹ hơn, xử lý được các tình huống giao thông bất ngờ hơn. Tuy nhiên, điều mà nhóm bận tâm chính là tình hình giao thông hiện nay của VN, sẽ rất khó để công nghệ xe tự lái có thể phát triển. “Giao thông VN đang rất phức tạp nên khó có thể đưa ứng dụng ra đi đường. Nếu VN có 1 làn dành riêng cho xe tự lái thì khả năng ứng dụng sẽ rất cao và công nghệ này sẽ phục vụ rất nhiều cho đời sống người dân”, Linh trăn trở.

Nguồn: thanhnien.vn