Liên đội THCS Kim Đồng: Tổng hợp những câu chuyện đẹp năm học 2019-2020

891

*BÀI VIẾT THÁNG 05/2020**
~~BÀI 1~~

Trong cuộc sống có biết bao nhiêu điều kì diệu, có biết bao nhiêu tình người, người đang cố gắng sống chậm lại để làm được biết bao nhiều điều tốt mà trước đây họ luôn muốn giúp đỡ dù chẳng thể. Đối với tôi chỉ cần có một tấm lòng bao dung, luôn giúp đỡ mọi người thì đã là một con người hoàn thiện một người tốt của xã hội. Với phẩm chất nhân tình thuần hậu của nhiều người dân phố Hội đã làm được nhiều việc ý nghĩa, nhân văn. Vì vậy vườn hoa “người tốt việc tốt” của quê hương tôi ngày càng xuất hiện hiện thêm rất nhiều những bông hoa đẹp!
Trong bầu không khí trong lành, trong sắc xuân mới của đất trời, những đóa hoa bên hiên nhà, mái phố đã chớm nở như muốn tô điểm thêm cho con đường nhỏ Phan Bội Châu, một dãy phố mang đậm phong cách kiến trúc Pháp ở Hội An. Đi dọc con đường phố nhỏ, hãy dừng chân tại ngôi nhà 43, đường Phan Bội Châu. Ngôi nhà nhỏ ven bờ sông ấy có gì đặt biệt? Đó chẳng phải một tiệm trang sức nổi tiếng hay thời trang, mĩ phẩm, mà là một quầy đổi sách. Chủ tiệm sách là ông Nguyễn Đình Cừ- một cựu giáo chức nay đã ngoài 70 tuổi, lại là nguyên Phó Chủ tịch Hội khuyến học phường Sơn Phong nên ông rất quan tâm đến sự ngiệp trồng người.

Chẳng nói đến những người khác, khi tôi bước vào tiệm sách ấy, ông đã chào đón tôi với nụ cười thân thiện. Lướt qua từng kệ sách, kệ nào cũng chất đầy biết bao nhiêu là cuốn sách, quyển truyện từ mới đến cũ. Đặc biệt tại kệ sách của ông là không phải chỉ có những cuốn sách in bằng tiếng Việt mà còn có nhiều cuốn sách hay được xuất bản bằng nhiều thứ tiếng: Anh, Hà Lan, Đan Mạch, … Những quyển sách có thứ tiếng khác nhau đều được ông phân chia ra từng kệ nhỏ có biển chỉ dẫn cụ thể nên rất dễ tìm. Tôi rất thích đọc truyện của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh nên đã nhờ ông tìm giúp tôi những cuốn truyện ấy. Cầm trên tay những cuốn truyện mà ông đã tìm cho tôi đều là những cuốn truyện đã cũ như: “Trước vòng chung kết”, “Bí mật của một võ sĩ”, “Chú bé rắc rối”, … Những cuốn truyện đã cũ, bìa sách đã bị phai màu, ố màu đi rất nhiều, có vài cuốn đã bị rách đi cái mép bìa. Không chỉ từ cái bìa mà đến những trang giấy đã ố vàng sau biết bao năm. Khi tìm cho tôi những cuốn truyện, ông cũng giới thiệu cho tôi những tác phẩm nước ngoài nổi tiếng trên thế giới của nền văn học Pháp, Anh, Đức, ….. Trong quầy sách của ông còn có rất nhiều cuốn viết về các vị vua và hoàng đế kiệt xuất như Alexander Đại đế, Napoleon Bonaparte hay nhà vua Louis XIV, người được mệnh danh là nhà chinh phục vĩ đại nhất nước Pháp. Ông chủ tiệm Nguyễn Đình Cừ ôn tồn trò chuyện với tôi cả lúc lâu, cảm nhận từ trong tôi thấy ông là một con người hiền từ, ân cần. Quy ước đổi sách của ông rất hay, từ giá đến trẻ giàu có đến nghèo khổ ông đều áp dụng quy ước ấy, đổi lấy hai cuốn lấy một cuốn.

Hội An, quê hương tôi là một thành phố du lịch nên khách từ các khác nhau nên những cuốn sách của ông cũng rất phong phú. Được ông chia sẻ, ngoài nguồn sách mà người con rể ông gửi lại khi chuyển nghề đổi sách trước đây, sau 13 năm làm công việc này, đến nay sách của ông có đến gần 5 ngàn đầu sách. Tuy không biết hết tất cả ngoại ngữ nhưng sau nhiều năm như vậy, nội dung của các cuốn sách mà du khách mang đến đổi ông cũng đã biết cách cảm nhận và đánh giá giá trị. Để có được những kệ sách dù đã cũ nhưng vẫn còn tinh tươm, mỗi ngày ông cũng dành thời gian dể don dẹp, sửa soạn. Những quyển sách được đổi khong phải cuốn nào cũng mới, có khách đem đến đã cong bìa hoặc có vết rách nhỏ, ông lại timg cách sửa lại. Mỗi ngày trong năm ông Cừ hằng ngày đều đặn mở cửa để du khách đến đổi trả, giao lưu văn hóa đọc, trao đổi tri thức là chính. Tôi biết ngôi nhà của ông nằm trên một con đường được rất nhiều người muốn thuê lại làm nhà hàng, quầy bán lưu niệm. Thế nên nhà ông cũng chẳng ngoại lệ, có nhiều người đã ngỏ lời thuê nhà ông để kinh doanh nhưng ông cũng không nỡ bỏ hiệu sách đã gắn bó với ông suốt 13 năm. Ông nói với tôi: “Chỗ này làm ra tiền thì làm sao ăn lời bằng quán nhậu, cà phê, bán lưu niệm, tò he,… Nhưng quan trong đối với ông là được tiếp xúc với những đối tượng có văn hóa. Hay là cái chỗ đó. Có văn hóa vui lắm! Từ chào hỏi, trả tiền, cảm ơn, họ lịch sự lắm. Giao lưu với trí thức thì không so bì với cái vật chất được”. Với tôi đọc sách là niềm đam mê mãnh liệt nhất, đến với tiệm sách tôi thấy có một cái hay là nó đã hội tụ được rất nhiều thể loại sách truyện, trong đó có những cuốn mà tôi chưa từng đọc qua, có quyển như chưa từng biết đến.
Tôi cũng được biết thêm ông năm xưa là nguyên Phó Chủ tịch Hội khuyến học phường Sơn Phong nên ông rất quan tâm đến sự ngiệp trồng người. Ngoài công việc này, ông cũng giúp rất nhiều học sinh có hoàn cảnh khó khăn, nghèo khổ có điều kiện tiếp tục đến trường, học tập tốt hơn, góp phần ươm những “mầm non” cho quê hương đất Quảng. Thương những “mầm non” nghèo khó, ông Cừ đã đứng ra vận động người chị họ là bà quả phụ của bác sĩ Tạ Trung Quấc, một tri thức yêu nước đã được đi du học và làm việc tại Pháp từ trước giải phóng, hình thành quỹ học bổng tại Quảng Nam. Có nguồn quỹ, ông cố gắng tìm cách liên lạc thông tin với các hội khuyến học địa phương trong tỉnh thông báo cho các học sinh, sinh viên nghèo biết. Năm nào cũng thế, cứ đến ngày 23 tháng Chạp mỗi em lại được nhận 2 triệu đồng, cả khóa học các em tổng cộng nhận được từ quỹ từ 8 đến 10 triệu đồng. Tuy nhiên muốn nhận được quỹ cũng chẳng dễ dàng gì để nhận được quỹ học bổng, bởi ông cũng tạo ra một quy ước là các em phải học tập thật chăm ngoan, nghiêm túc ở trường, mỗi học kì không được thi lại quá 3 môn, nếu như không đạt những yêu cầu ông đưa ra sẽ bị cắt cho đến khi nào đạt tiêu chuẩn trở lại thì sẽ được nhận tiếp. Quy định là thế nên chẳng ai mắc lỗi, trong danh sách những học sinh, sinh viên được nhận học bổng chẳng có em nào bị ngưng giữa chừng. Ngoài việc cấp học bổng cho học sinh khó khăn, ông Cừ còn thường lặng thầm làm từ thiện. Mỗi khi đọc báo thấy hoàn cảnh khó khăn, thương tâm, ông Cừ và vợ lại gói ghém ít tiền gửi đến những số phận thiếu may mắn ấy. Tôi hiểu cái tấm lòng nhân từ ấy, ông cho đi nhưng chẳng mong được nhận lại gì, ông chỉ muốn mảnh đời bất hạnh ấy sẽ có được một cuộc sống tốt hơn. Đối với ông danh tiếng chẳng là gì nếu không có cái tâm, làm phúc vì cái tiếng hay mục đích khác thì ông không cần.

Câu khẩu hiệu của ông Nguyễn Đình Cừ: Hãy làm nhều việc tốt để đón mừng năm mới. Mỗi người làm mỗi việc tốt sẽ góp thêm những đóa hoa tươi thắm để mùa xuân cuộc đời thêm những “bông hoa đẹp”, nhân văn, thấm đẫm tình người, thế là đủ. Mỗi lần nghe lại tôi lại thấy cuộc đời thật đẹp, rất đẹp. Tôi luôn mong mình lớn thật nhanh để được đóng góp cho xã hội, tổ quốc thân yêu. Tình người thật rộng lớn, và tôi muốn tôi là một phần trong hàng triệu phần ấy của xã hội, quê hương tôi, đất Quảng Nam giàu tình cảm.

NGUYỄN HÀ MAI ANH – Trường THCS Kim Đồng

~~BÀI 2~~

Hội An đất chật người đông
Nhân tình thuần hậu lá bông đủ màu

Chắc có lẽ, tôi yêu quý cái mảnh đất thân thương này, không hẳn chỉ bởi vì tôi là môt người dân phố Hội, mà mến nhất vẫn là con người nơi đây. Họ chân phương, gần gũi đến lạ kì, chỉ qua một lần nói chuyện là thân thiết như anh em một nhà ngay. Hễ có ai cần sự giúp đỡ, họ lại sẵn lòng dang tay hỗ trợ mà không cần nhận bất cứ thứ gì. Và tấm gương tôi sắp kể ngay sau đây sẽ là một người minh chứng cho tấm lòng nhân hậu đó.
Tại Quán cơm 2000 đồng, địa chỉ 126 Đường Lý Thường Kiệt, thành phố Hội An, chắc cũng không còn lạ lẫm gì đối với các cô, chú bán vé số, lượm ve chai,… Nơi đây cứ đều đặn vào các ngày rằm hằng tháng và mồng một âm lịch là lại đông đúc, nhộn nhịp như mở hội với các tiếng hỏi thăm qua lại của các anh, chị sinh viên bán cơm và những khách hàng “đặc biệt’’ đến ăn. Nếu nhắc về người đã tạo ra quán cơm ý nghĩa này, thì không thể kể thiếu anh Hồ Hoàng Thạch, hiện đang là trưởng nhóm và là cha đẻ của quán cơm 2000 đồng. Khoảng năm năm trước đây, anh vẫn còn là một sinh viên đang học tập tại trường Hàng Không, vốn có tính tốt bụng, biết chia sẻ với người khác, thi thoảng anh Thạch đã cùng bạn bè mở quán cơm ở Sài Gòn với giá chỉ 2000 đồng. Dù công việc học hành của anh rất bận rộn và điều kiện còn hạn chế, tuy nhiên anh Thạch luôn tiếp tục làm việc thiện để giúp đỡ cho các hoàn cảnh kém may mắn hơn mình, làm tôi càng hiểu thêm về câu thành ngữ mà ông bà ta đã dạy “Lá lành đùm lá rách”.

Cuối cùng, sau những năm đại học dài đằng đẵng, anh quyết định trở về quê hương của mình để định cư, lập nghiệp. Anh Thạch mở quán cà phê tại nhà và buôn bán ở đây. Hằng ngày, anh bắt gặp hình ảnh các cô, chú khiếm khuyết gặp khó khăn trong việc đi lại xin từng đồng ăn cơm, những bác đẩy xe phế liệu thu gom từng lon bia, chai nước,… Nhiều lúc, họ còn ngẩn người đứng trước quán cơm, lục lọi lại túi tiền. Càng nhìn những hình ảnh ấy, anh càng thấy thương xót những mảnh đời bất hạnh này và dần dần tập hợp các bạn sinh viên đang học gần đây để thành lập quán cơm từ thiện đầu tiên ở Hội An. Cũng vì lòng nhân hậu bao la ấy, anh cố gắng tiết kiệm tiền sinh hoạt cá nhân để sắm sửa bàn ghế, vật dụng cần thiết. Những ngày đầu thực hiện, nhóm của anh Thạch gặp vô số các vấn đề khó khăn về mặt kinh tế. Hễ thiếu rau, gạo, mắm, muối,… là các thành viên trong nhóm lại tự nguyện góp từng nhúm gạo, bó rau,… để cho đủ.
Nhưng có mấy ai biết được, đó vẫn chưa phải là tất cả những sự vất vả, cực nhọc của các anh chị nơi đây. Để làm ra các hộp cơm ngon, thơm lừng như thế, họ đã phải đổ biết bao nhiêu mồ hôi, công sức nấu ra. Cứ vào tờ mờ sáng, khi mọi người còn đang ngáy ngủ, các anh chị sinh viên và anh Thạch đã có mặt đầy đủ ở quán để đi chợ, cố mua về những món hàng tươi, ngon nhất, nấu bữa trưa bổ dưỡng cho các bác đến ăn có sức đi làm tiếp. Sau quãng thời gian dài đi chợ, mọi người ngồi chụm lại với nhau bắt đầu phân chia công việc, chế biến thức ăn. Họ chạy đôn chạy đáo khắp nơi, cả tay lẫn chân lúc nào cũng chẳng ngơi nghỉ, người thì cắt rau, lau chén, sắp xếp lại bàn ghế,… Chẳng mấy chốc, mùi đồ ăn thơm phức tỏa lên nồng nàn khắp cả đoạn đường, góc phố. Lúc này, mặt mày ai nấy cũng nhễ nhại mồ hôi, áo thun ướt đẫm. Dù biết là sẽ không được nhận lương hay bất cứ vật chất gì, nhưng họ vẫn vui vẻ, tranh thủ thời gian rảnh đến đây nấu nướng, giúp cho người nghèo có bữa ăn ngon, bổ, rẻ nhất.
Đúng vào lúc mười một giờ trưa, những khách hàng thân thuộc lại đến đây xếp hàng, chờ đến lượt mình để lấy cơm ăn. Các anh chị sinh viên cùng anh Thạch tất bật bỏ cơm, đóng hộp bưng phát cho từng cô, chú bán vé số, lượm ve chai,… với nụ cười nở rộ trên môi. Họ nhiệt tình rót nước, bưng cơm đến tận bàn của mỗi người. Nhiều lúc anh Thạch còn đi đến các bàn và xin những lời góp ý của các cô, chú đến ăn: “Mọi người có thấy hợp khẩu vị không ạ? Hay có cần bỏ thêm cơm không”. Nghe xong, những tiếng đồng thanh vang lên “Hợp! Hợp! Đồ ăn ngon lắm! Cảm ơn chú nhiều”. Và thế là ai nấy cũng đều vui cười giòn tan với nhau.
Thời gian thấm thoát trôi qua, quán cơm 2000 đồng đã hoạt động được một khoảng thời gian khá dài, và tôi vẫn không thể quên một kỉ niệm vô cùng ý nghĩa ở đây mà tôi được chứng kiến. Hôm đó, có một bác ăn xin bị tật ở chân cứ hì hà hì hục đi loanh quanh trước quán. Thấy vậy, anh Thạch nhanh chân đi ra, dắt người đàn ông ốm yếu, gầy gò vào chỗ mát ngồi và mời bác uống cốc nước trà rồi dùng cơm trưa tại quán. Bác ngạc nhiên, xua tay nói: “Tôi không có tiền ăn cơm đâu, cậu mang vào đi”. Nghe thế, anh Thạch nhanh nhẹn trả lời: “Dạ không, cháu chẳng lấy tiền đâu ạ! Bác cứ ăn tự nhiên đi”. Vừa dứt lời xong, bác ta chén sạch ngay dĩa cơm nóng hổi, chắc có lẽ bác đã rất nhiều ngày chưa ăn rồi. Trước lúc ra về, anh Thạch đem ra thêm một hộp cơm khác đưa cho bác và nói: “Bác nhớ để chút tối đói rồi ăn nhé”. Bàn tay gầy guộc, chai sạn của người ăn xin nắm chặt lấy hộp cơm, hai dòng lệ rưng rưng, nói: “Cảm ơn” trong sự nghẹn ngào khó tả. Tôi ngay hôm đó cũng không cầm lòng được.
Các bạn thấy đấy, quán cơm 2000 đồng tuy của ít nhưng tình nhiều, họ coi nơi đây như mái ấm thứ hai của mình vậy. Một nơi mà những người dù chưa hề quen biết với nhau vẫn có thể gặp gỡ, chia sẻ từng bát cơm, nỗi khổ trong cuộc sống. Chắc có lẽ đối với một số người, một tô cơm hai, ba chục nghìn chẳng có gì to tát, nhưng với những hoàn cảnh kém may mắn hơn thì cũng là một số tiền khá lớn.Vì vậy, tôi mong quán cơm này sẽ mãi tiếp tục phát triển và sẽ được nhiều mạnh thường quân ủng hộ hơn.

—————————————————————————————————-

*BÀI VIẾT THÁNG 06/2020**
~~BÀI 1- CÔ GIÁO TUYẾT ANH~~

Trong cuộc sống hằng ngày, xung quanh chúng ta luôn có những con người tốt bụng, họ là những con người biết yêu thương, thông cảm và chia sẻ những vất vả, khó khăn trong cuộc sống cùng với mọi người xung quanh. Trong số những con người tốt bụng ấy, có những người thầy giáo, cô giáo – họ là những người không ngại khó khăn để đưa những con thuyền tuổi thơ cặp bến vinh quang. Nhưng người cô giáo mà em muốn kể cho các bạn cùng nghe đó là cô Lê Thị Tuyết Anh.

Gần 4 năm nay, không kể ngày nắng hay mưa, em Nguyễn Trần Đình Huy, học sinh lớp 5 trường Tiểu học Sơn Phong, vẫn đều đặn đến lớp học tình thương của cô Lê Thị Tuyết Anh, một giáo viên cấp 2 đã về hưu. Gia đình thuộc diện hộ cận nghèo của địa phương nên dù sức học yếu, Huy vẫn không dám đi học thêm. Nghe tin cô giáo Anh mở lớp dạy miễn phí, người nhà Huy đã xin cô cho em theo học. Từ sự chỉ dạy tận tình của cô Anh cộng với tinh thần hiếu học của bản thân, từ một học sinh yếu Huy đã vươn lên trở thành học sinh khá trong năm học vừa qua. Những chữ viết nghệch ngoạc ban đầu cũng dần trở nên nắn nót và đẹp hơn. Em Nguyễn Trần Đình Huy tâm sự: “Học lớp miễn phí của cô Anh đã giúp con tiến bộ rất nhiều. Con rất cảm ơn cô Anh.”
Cô Lê Thị Tuyết Anh nguyên là giáo viên của trường THCS Kim Đồng. Theo lời cô Anh, khi còn dạy học, thấy nhiều trẻ em quanh khu vực mình đang sống bị khuyết tật, mồ côi hoặc gia đình có hoàn cảnh khó khăn trong khi ba mẹ các em hằng ngày phải tất bật mưu sinh, không có thời gian kèm cặp, bổ trợ kiến thức nên cô đã ấp ủ dự định sau này sẽ mở một lớp học tình thương để dạy miễn phí cho các em. Sau khi về hưu, với ý định ban đầu cộng với việc nghe được những trăn trở của người dân khối phố Phong Thiện (phường Sơn Phong) về việc nhiều em học sinh có hoàn cảnh khó khăn không có điều kiện học thêm nên sức học giảm sút, chính vì vậy cô Anh đã quyết định mở lớp dạy thêm miễn phí cho các em từ lớp 1 tới lớp 5 ngay tại nhà mình. Cô Anh kể, thời gian đầu, nhiều em có sức học rất yếu, rồi có em gia đình khó khăn nên sách vở, bút thước đều thiếu. Thế là cô Anh lại lấy tiền lương hưu của mình đồng thời vận động thêm sự đóng góp của bạn bè và các nhà hảo tâm để mua sắm đồ dùng học tập hỗ trợ cho các em.
Với sự tâm huyết, nhiệt tình, cô Anh miệt mài chỉ bảo các em cách đánh vần, cộng trừ nhân chia các con số, giảng giải từng chút một để các em hiểu rõ và nắm bắt kiến thức tốt hơn. Nhờ đó mà sau một thời gian, nhiều em đã tiến bộ rõ rệt. Nhiều phụ huynh khi biết thông tin rất đỗi vui mừng. Tiếng lành đồn xa, số phụ huynh mang con đến lớp học tình thương ngày một nhiều hơn. Để mở rộng lớp học cũng như tạo điều kiện tốt hơn cho các em học tập, cô Anh làm đơn đề nghị khối phố cho mượn nhà sinh hoạt văn hóa để cô mở lớp. Không chỉ đồng ý cho mượn địa điểm để dạy học, chính quyền còn hỗ trợ thêm như phấn, bảng, dụng cụ học tập và trích kinh phí mua quà động viên các cháu học tập có nhiều tiến bộ. Nhờ vậy, hơn 4 năm nay, cứ mỗi chiều thứ bảy, chủ nhật hằng tuần lớp học tình thương của cô giáo Anh ở nhà văn hóa khối phố Phong Thiện lại văng vẳng tiếng giảng bài của cô giáo và tiếng đánh vần ê a của những học trò nghèo hiếu học.
Vì cùng một lúc phải dạy cho nhiều khối lớp nên cô Anh phải chia nhóm học sinh theo từng khối để giảng dạy. Xong việc đánh vần của học sinh lớp 1, cô Anh lại chạy sang chỗ các em lớp lớn hơn để hướng dẫn giải toán. Chiếc bảng đen cũng được cô chia làm 2 phần để giảng bài theo nội dung phù hợp với các khối lớp khác nhau. Cứ thế, cô giáo Anh cần mẫn suốt năm này qua năm khác gieo con chữ và kiến thức cho các em học sinh. Không chỉ dạy học, cuối năm học của các em, cô Anh còn dùng số tiền lương hưu của mình mua vở, bút trao thưởng cho các em có thành tích tốt, đồng thời tổ chức liên hoan cuối năm, tạo không khí vui vẻ, giúp các em có thêm động lực phấn đấu. Những năm gần đây, lớp học của cô Anh luôn có từ 20-30 em theo học. Hầu hết các em tham gia lớp học sau một thời gian đều tiến bộ rõ rệt, có những em từ học sinh yếu kém đã trở thành học sinh khá giỏi, chăm ngoan. Riêng năm nay, nhiều em đã bước sang lớp 6 nên số học sinh có giảm đi chút ít nhưng không khí lớp học vẫn rất vui tươi. Cô và trò đều say sưa với từng cuốn sách, trang vở.
Chia sẻ về công việc của mình, cô Lê Thị Tuyết Anh nói: “Tôi rất vui vì các cháu rất ngoan và cố gắng học tập. Mặc dù gia đình khó khăn hoặc sức học yếu nhưng các cháu đều nỗ lực phấn đấu. Mong rằng sau này các cháu sẽ trở thành những người có ích cho gia đình và xã hội.”
Năm nay đã bước sang tuổi 61, sức khỏe không còn được như xưa nhưng với cô Lê Thị Tuyết Anh tình yêu nghề giáo và lòng thương cảm đối với những học trò nghèo hiếu học vẫn luôn tràn đầy. Mong rằng, với những tình cảm ấy, các em học sinh sẽ luôn cố gắng học tập, trở thành người có ích cho gia đình và xã hội như mong muốn của cô.
Các bạn thấy đấy, đôi khi trong cuộc sống của chúng ta cũng có những con người tốt bụng như vậy. Mặc dù bây giờ cô Anh đã không còn đứng trên bục giảng, không còn những ngày tháng bên những chồng sách vở nhưng thời gian và tuổi tác không làm cô từ bỏ quyết tâm của mình để tiếp thêm kiến thức cho các bạn học sinh để các bạn làm hành trang bước vào tương lai. Với những quyết tâm ấy, em hy vọng lớp học tình tình thương của cô sẽ ngày càng có thêm nhiều học sinh hơn. Nếu như bây giờ em được gặp cô thì em muốn nói với cô rằng: “Cô ơi! Cô hãy tiếp tục sự nghiệp trồng người của mình để tiếp thêm sức mạnh cho các bạn học sinh nhé!”
“Hãy nhìn đi em – con đường phía trước
Còn rất dài, cũng thật nhiều chông gai
Thầy cô sẽ không dắt em đi suốt con đường dài
Chỉ mong sao
Mỗi bước em đi trên chặn đường mới.
Em vững vàng
Vấp ngã – biết đứng dậy
Chẳng bao giờ đánh mất niềm tin.”

Họ và tên người viết: Võ Nhật An -Trường THCS Kim Đồng.

 

~~BÀI 2- BÁC SỸ PHẠM TRỌNG LUẬT~~

Dịch Covid-19 hiện nay đang bùng phát ở khắp mọi nơi trên thế giới, và ở Việt Nam cũng không ngoại lệ, có biết bao nhiêu những nhà hảo tâm đóng góp giúp đỡ, những vị bác sĩ ngày đêm làm việc cật lực, họ hi sinh không biết bao nhiêu thứ để đổi lại sức khỏe cho bệnh nhân của mình. Tôi đã từng tận mắt chứng kiến được một bác sĩ như vậy tại Thành phố Hội An địa phương tôi.

Chú có họ tên đầy đủ là Phạm Trọng Luật, hiện tại đang làm việc ở Trung tâm Y tế Thành phố Hội An và khu vực sinh sống là xã Cẩm Kim . Thành phố tôi ở là một nơi thu hút rất nhiều khách du lịch cả trong và ngoài nước bất cứ lúc nào nên ngay cả khi dịch xảy ra vẫn có người tham quan khiến cho tình hình dịch bệnh, số ca nghi nhiễm ở đây trở nên phức tạp hơn lúc trước nữa. Các cán bộ y tế đã làm việc hết sức mình, kể cả bác sĩ Luật. Tuy ai cũng làm việc chăm chỉ nhưng không hiểu sao trong mắt tôi, chú là người nhiệt huyết nhất. Chú luôn xung phong đi đầu trong tất cả các dự án phòng chống dịch tại trung tâm, dù có bất kể thời tiết xấu như thế nào, nắng hay mưa đi chăng nữa nhưng chú vẫn khoác lên mình bộ đồ bảo hộ kín mít, nóng nực đến nỗi mồ hôi chảy ướt cả áo, có khi còn lấm tấm trên mặt để bảo đảm an toàn khi tiếp xúc với bệnh nhân nghi nhiễm dịch, lần nào làm xong cũng tháo cái mũ ra để thở dài một hơi. Đôi lúc được giao nhiệm vụ đi phun thuốc tại các trường học, đường phố, dù biết trong thuốc có thành phần sẽ hại cho sức khỏe ít nhiều khi tiếp xúc gần nhưng chú vẫn không ngần ngại. Tôi đã để ý thấy đôi mắt của chú có quần thâm đen do nhiều đêm thức khuya làm việc, nghiên cứu. Ngoài ra, khi tiếp xúc với người bệnh, chú không tỏ ra thái độ mà còn rất ân cần, tỉ mỉ, động viên họ cố gắng vượt qua khó khăn, điều đó cũng chính là lí do tôi thấy chú có được sự khác biệt so với những người bác sĩ khác, tận tâm, hết lòng vì nghề nghiệp của mình. Chú đã từng nói với tôi rằng: “Ngoài kia đã có biết bao nhiêu người đã thiệt mạng, đối với gia đình những người đó là mất mát quá lớn. Những vị bác sĩ khi thấy được hình ảnh như vậy, họ biết mình cần phải cố gắng, dốc hết sức mình cứu chữa hơn nhiều để có thể khống chế được đại dịch bệnh này, và những người như cháu cũng vậy, điều cháu cần làm là tuân theo quy định của bộ y tế và tránh đi ra ngoài nhiều nhé!”, nhờ những lời của chú mà tôi hiểu hơn được về suy nghĩ của chú và biết được mình cần phải làm gì để bảo vệ cho sức khỏe luôn tốt. Có lần tôi thấy chú ngồi lì trên ghế hàng chục phút để xem đi xem lại giấy mẫu xét nghiệm của bệnh nhân, nhíu mày lại để được nhìn thấy rõ hơn, phân tích đi phân tích lại để cho ra kết quả chính xác nhất có thể. Mỗi khi có một người trong thành phố được thông báo là âm tính, đôi mắt của chú long lanh đến diệu kì, vẻ mặt tuy không thể hiện ra nhưng tôi biết chú đang rất mừng rỡ và hạnh phúc ở trong lòng. Hằng ngày chú vào khu cách ly để khám lại, hỏi thăm sức khỏe của mọi người, nếu có người cảm thấy mệt thì chú sẽ quan tâm hơn cả. Hình như không chỉ mình tôi mà ai ở đây cũng đều quý mến và khâm phục chú, những người được ra khỏi khu cách ly cũng sẽ tặng cho chú một bó hoa và cảm ơn rất nhiệt tình, những lúc như vậy chú cười rất tươi, còn ai tặng quà đắt tiền chú đều từ chối không nhận. Chú bảo với họ là chú chưa xứng đáng để nhận những thứ đó, điều đó làm tôi càng thêm ngưỡng mộ chú hơn. Chú Luật phải làm nhiều đến thế, nhưng ngay cả việc cơm nước, chỗ ở, điện đều một tay do chú và đồng đội tự làm hết. Hằng ngày có rất nhiều mẫu xét nghiệm đến, làm không ngơi tay, bệnh dịch xảy ra ngày càng nghiêm trọng khiến chú không thể trở về nhà thường xuyên được nữa. Đôi khi tôi nhìn thấy chú đang gọi điện về nhà, miệng vẫn cố gượng cười cho cả nhà bớt lo lắng. Hằng ngày luôn túc trực ở trung tâm y tế, không thì cũng là ở bệnh viện nồng nặc mùi thuốc sát trùng khó chịu đến kì lạ. Chú còn rất yêu trẻ con nữa, có lần tôi vô tình nhìn thấy chú đang vui đùa cùng đám con nít đang điều trị bệnh ở đây, chúng nhìn chú với một ánh mắt hồn nhiên, đầy sự ngưỡng mộ. Nhưng không phải ai cũng có thể chịu đựng nhiều việc áp lực mà vẫn cười như vậy được, chú tâm sự với tôi: “Nhiều lúc chú làm xong mà chỉ muốn về nhà thôi, làm việc liên tục chú cũng không thể chịu được nữa, có khi kiệt sức mất thôi…”, nghe những lời nói như vậy mà tôi càng cảm thấy quý mến những người bác sĩ hơn. Nhờ chú Luật góp một phần mà Thành phố Hội An tôi ở hiện nay đã không còn điều gì đáng lo ngại nữa.
Mỗi chúng ta đều có một ý thức riêng, nhưng trong khoản thời gian khó khăn vì dịch bệnh này, hãy chung tay cùng nhau cố gắng để có một tương lai tươi đẹp hơn, không còn những việc đau thương sẽ diễn ra nữa. Và cùng nhau yêu mến những người chiến sĩ áo trắng trên khắp mọi miền đất nước đang ngày đêm cố gắng làm việc vì sức khỏe của mọi người. Bác sĩ Luật đã truyền tải cho tôi thông điệp đó thông qua hành động và sự chăm chỉ, dũng cảm của chú. Quyết không chịu khuất phục trước dịch bệnh này, dù cho có đáng sợ tới mức nào đi chăng nữa!

Họ và tên: Đinh Vũ Yến Hân – Trường THCS Kim Đồng

~~BÀI 3- BÁC SỸ PHẠM TRỌNG LUẬT~~

“Bầu ơi thương lấy bí cùng
Tuy rằng khác giống nhưng chung một giàn”

Con người Việt Nam chúng ta từ trước đến nay vẫn luôn đoàn kết một lòng, những hoàn cảnh khó khăn đều được giúp đỡ bởi những trái tim nhân hậu. Dù Covid-19 có lợi hại đến chừng nào cũng không thể phá vỡ được tấm lòng tương thân tương ái của người Việt. Thế nhưng vẫn không tránh khỏi tình trạng thiệt hại nặng nề về vật chất lẫn tinh thần của người dân trong mùa dịch, khiến nhiều người không khỏi xót xa. Với tấm lòng thiện nguyện, thời gian qua, nhiều người dân bản địa, kể cả du khách sống và làm việc tại Hội An đã tích cực đóng góp tiền của, công sức làm những việc có ích cho xã hội. Và tấm gương tiêu biểu nhất tôi từng chứng kiến ở ngay trên quê tôi là nhóm thiện nguyện mang tên: “Tươi Sáng”- một nhóm từ thiện của Hội lái xe Hội An.


Như mọi người đã biết, nhân dân cả nước đang phải hứng chịu nhiều hậu quả do dịch viêm phổi cấp vi rút Corona gây ra. Tinh thần: “Chống dịch như chống giặc” bắt đầu nổi lên, mọi người bây giờ đều đã có ý thức bảo vệ cho bản thân cũng như là cộng đồng. Nhờ vậy mà các ca nhiễm bệnh đã giảm nhiều so với trước đây, nhưng còn những thiệt hại về kinh tế của người lao động thì sao nhỉ? Và đây cũng là lúc những điều tử tế được nhân lên và lan tỏa ở TP.Hội An, thể hiện bằng những hành động, việc làm cụ thể để chung tay chia sẻ khó khăn với mọi người.
Bằng một trái tim và lòng nhân ái, nhóm thiện nguyện Tươi Sáng đã trở thành thương hiệu của TP.Hội An với những chuỗi hoạt động ý nghĩa mang lại lợi ích cho xã hội. Được biết, thành viên của nhóm thiện nguyện Tươi Sáng gồm những cô, chú hành nghề lái xe du lịch ở thành phố Hội An. Với mong muốn đồng hành cùng người dân qua cơn hoạn nạn, cả nhóm quyết định thực hiện những hành động xuất phát từ tấm lòng chân thành ngay trên nơi mà mình sinh sống.
Họ đã làm những việc làm ý nghĩa như: trao 300 suất quà (gồm gạo, mì tôm, bánh các loại, khẩu trang) hỗ trợ hộ nghèo, người lao động gặp khó khăn do dịch Covid-19, tổng trị giá gần 70 triệu đồng, đây là lần thứ tư nhóm thiện nguyện Tươi sáng tổ chức hoạt động hỗ trợ người lao động bị tác động bởi dịch Covid-19 với tổng kinh phí lên đến 250 triệu đồng. Nhóm còn lắp đặt cả buồng khử khuẩn toàn thân tự động cho người đến nhận quà, đồng thời thực hiện đảm bảo giãn cách xã hội theo quy định.

Tươi Sáng còn tổ chức các chuyến xe miễn phí đưa đón người đi cách ly. Trưởng nhóm Nguyễn Trí Minh cho hay: “Nhóm thực hiện gần 10 chuyến xe đưa các đoàn khách thuộc diện F1, F2 (tiếp xúc trực tiếp hoặc gián tiếp với các bệnh nhân Covid-19) đi cách ly”.

Các cô chú thành viên đã chở 9 du khách nước ngoài rời khỏi khu cách ly. Sau 14 ngày được theo dõi tại Nhà khách Trường Cán bộ Hội Nông dân Việt Nam phân hiệu Miền Trung- Tây Nguyên, những vị khách này nhận kết quả xét nghiệm âm tính với Covid-19.
“Tiếp nhận thông tin từ cơ quan chức năng, nhóm quyết định điều xe 16 chỗ cùng 3 thành viên đến nơi cách ly. Chúng tôi giúp các du khách này vận chuyển hành lý, sau đó đưa họ ra sân bay Đà Nẵng để về nước”, chú Nguyễn Trí Minh nói và chia sẻ thêm, nhóm bố trí thường trực 3 ô tô loại 16 chỗ chuyên đưa người đến và rời khỏi các khu cách ly cho tới khi dịch Covid-19 chấm dứt.
Không chỉ hỗ trợ người Hội An mà nhóm còn trợ giúp cho nhiều người dân nơi khác, khi nghe thông tin nông dân ở các tỉnh Tây Nguyên không xuất bán được dưa hấu sang Trung Quốc vì ảnh hưởng của dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus corona gây ra. Trước khó khăn này, nhiều tổ chức, cá nhân đã đứng ra thu mua và giúp bà con nông dân tiêu thụ nông sản. Trong đó, nhóm thiện nguyện Tươi Sáng đã có những hoạt động đồng hành với người nông dân, đến tận vườn của bà con thu mua dưa hấu, khoai lang, đưa về thành phố Hội An để bán.

Không ngờ, chỉ trong 2 ngày, 15 tấn dưa hấu mà nhóm chú Nguyễn Trí Minh (trưởng nhóm) nhập về đã được người dân Hội An “giải cứu” sạch. Thấy được nhiều người mua ủng hô, nhóm chú Minh quyết định nhập thêm 35 tấn dưa để bán giúp bà con nông dân tỉnh Gia Lai. “Sáng nay, 35 tấn dưa hấu về đến Hội An. Nghe tin này, bà con Hội An và du khách đã kéo đến mua rất đông. Chỉ trong một buổi sáng, chúng tôi đã tiêu thụ được hơn 7 tấn dưa” – chú trưởng nhóm hồ hởi nói.
Điểm bán dưa hấu của nhóm nằm trên đường Nguyễn Trường Tộ (TP Hội An) gần nhà tôi, tôi và gia đình đã từng ủng hộ cho nhóm của các cô chú vài trái dưa hấu, vừa rẻ lại vừa ngon, chất lượng. Ngoài ra, với khách hàng đặt số lượng trên 100 kg, nhóm chú Minh đưa miễn phí tới tận nơi. “Bán hết 35 tấn dưa này, chúng tôi sẽ tiếp tục nhập thêm dưa để bán giúp cho bà con” – chú Minh nói. Cô Nguyễn Từ Huyên – thành viên nhóm chia sẻ: “Nghĩ đến cảnh người nông dân ôm quả dưa hấu khóc ròng mà thấy thương lắm. Cho nên cực mấy chúng tôi cũng cố gắng giúp. Bán hết đợt này, nông dân lại gọi điện cầu cứu, vậy là cứ thêm từng đợt khác nữa, không có của giúp thì mình có cái công vậy”.
Nhận được sự đồng cảm, trợ giúp của đông đảo người dân, du khách tại Hội An, Nhóm thiện nguyện có thêm nguồn động lực làm việc thiện. Hễ nhập bao nhiêu tấn dưa về trong ngày, thành viên của nhóm liền kêu gọi, vận động người dân đến mua. Giá dưa hấu bán ra là 5.000 đồng/kg. Theo đó, nhóm cử người làm việc với nông dân tỉnh Gia Lai và Kon Tum để viết giấy giao nhận dưa. Sau khi bán xong, nhóm sẽ trở lại giao tiền cho nông dân.

Đây là đợt tiêu thụ dưa hấu thứ hai mà nhóm thiện nguyện Tươi Sáng thực hiện. Trước đó, nhóm đã giúp bà con tiêu thụ được hơn 35 tấn dưa hấu trong một ngày. Không chỉ giúp tiêu thụ dưa hấu, khoai lang, sau khi bán xong, số tiền lãi từ hoạt động này (ngoài chi phí vận chuyển) được nhóm dành để mua khẩu trang tặng cho người dân và du khách với mong muốn chung tay giúp bà con chống dịch Covid-19.
Cùng chung “số phận” với nhiều loại nông sản khác, do tình hình dịch bệnh Covid-19 đang lây lan rộng ở Trung Quốc, việc xuất khẩu qua các cửa khẩu gặp khó khăn khiến cam bị tồn lại, thương lái ép giá. Trước tình cảnh đó, nhóm thiện nguyện Tươi Sáng Hội An đã đến tận nơi, khảo sát thực tế và mua giúp cam cho bà con.

Bên cạnh việc “giải cứu” dưa hấu, cam nhóm thiện nguyện còn giúp bà con “giải cứu” các mặt hàng nông sản bị tồn đọng vì đại dịch Covid khác như là: khoai Đăk Lăk, nho Ninh Thuận. Nhóm đã hiều được những khó khăn của bà con nông dân, không thể tiêu thụ được nông sản sau khi thu hoạch.

Những hoạt động từ thiện của nhóm trong mùa dịch này đã khiến nhiều người cảm thấy vô cùng cảm kích. Đây là những món quà rất ý nghĩa đối với người dân trong thời điểm phòng chống dịch, đồng thời tạo nên hình ảnh đẹp trong mắt du khách về một thành phố Hội An thân thiện. Với bản thân tôi, tôi cảm thấy rất tự hào vì là người con của quê hương Hội An- nơi được mệnh danh là vùng đất nhân tình thuần hậu mà bất kì du khách nào đã đến là không thể nào quên. Tôi tự hứa với bản thân mình sẽ học tập, rèn luyện thật tốt, không chỉ góp phần xây dựng quê hương Hội An tươi đẹp mà còn phấn đấu góp sức mình tham gia các hoạt động thiện nguyện, giúp đỡ cho nhiều mảnh đời bất hạnh, khó khăn. Noi gương các cô, chú, anh, chị trong các nhóm thiện nguyện, đặc biệt là nhóm thiện nguyện Tươi Sáng, tôi nguyện sẽ làm những việc phù hợp với lứa tuổi của mình để trở thành một bông hoa thiện nguyện của Phố cổ Hội An thân yêu. Để Hội An –quê hương tôi mãi đẹp trong hai câu thơ:

“Hội An đất chật, người đông
Nhân tình thuần hậu, lá bông đủ cành”

Nguyễn Phạm Như Quỳnh – THCS KIM ĐỒNG