Trường: Tiểu học Đỗ Trọng Hường
Người dự thi: Nguyễn Trần Ly Na
Lớp: 5A
“CÔ GIÁO NHƯ MẸ HIỀN”
“BÌNH ƠI!” – Bình ơi! Âm thanh vô cùng quen thuộc phát ra từ phòng làm việc của cô Kim Lâm – Phó Hiệu trưởng Trường TH Đỗ Trọng Hường chúng em. Câu chuyện của cô Lâm cùng với em Bình – học sinh cá biệt trong trường giờ đã vô cùng quen thuộc, ai cũng biết, ai cũng đồng cảm và ai cũng nể phục về những gì cô Kim Lâm đã làm. Lần đầu tiên, chúng em thấy “Cô giáo như mẹ hiền” là có thật, là bằng xương bằng thịt chứ không phải trong câu hát!
Vùng quê Cửa Đại đang trở mình từng ngày để phát triển hơn nhưng cái nghèo vẫn còn đấy. Vẫn còn đấy rất nhiều những bạn học, em lớp dưới trường chúng em vẫn sống trong sự nghèo khó, túng thiếu. Trần Xuân Bình là một em học sinh trong số đó – số phận của em còn đặc biệt hơn khi sinh ra trong một gia đình mà bố mẹ em là những người có vấn đề về thần kinh – rồi đến lượt em cũng vậy. Hình ảnh người mẹ dắt đứa con nhỏ đi lượm ve chai kiếm sống hằng ngày đã quá quen thuộc với người dân xã em. Có người bực mình vì Bình ngỗ nghịch, có người xót xa vì Bình tâm lý không bình thường, có người trăn trở, mai này Bình sẽ ra sao khi sống trong gia đình với một người mẹ không bình thường và đòn roi vô cớ? Hình ảnh cậu bé lem luốc, không có khả năng học tập, ngỗ nghịch, hay đánh bạn, có phần “bẩn bẩn” khiến những em học sinh còn lại xa lánh, không ai lại gần, không ai chơi cùng, các cô giáo cũng rất phiền lòng. Duy nhất, chỉ có cô Lâm sẵn sàng giúp đỡ Bình, dạy dỗ Bình. Lớp học một học sinh – Đó là hình ảnh thường thấy trong phòng Phó Hiệu trưởng của cô Kim Lâm. Cô đem tất cả tâm huyết, sự kiên trì và cả lòng bao dung để chỉ dạy cho mình biết đọc, biết làm phép tính làm phép tính đơn giản, biết viết tên thầy cô, bạn bè. Giảng cho một học sinh cá biệt lại có những vấn đề về thần kinh thực sự rất khó khăn, nhưng cô đã ân cần giúp Bình tốt lên từng ngày, không chỉ trong chuyện học tập mà còn trong cả thói quen ứng xử hằng ngày. Từ một cậu bé không được gọn gàng, sạch sẽ, nay Bình đã biết tự chăm sóc bản thân và biết điều chỉnh những hành vi của mình. Những việc đơn giản như quét dọn phòng học, đổ rác Bình đều làm được. Thấp thoáng trong đó là sự kiên trì bền bỉ của cô Lâm khi bên cạnh Bình, chỉ dạy Bình từng ngày. Cô không chỉ là cô mà còn là mẹ nữa! Em còn nhớ hôm ấy là 20/11, một câu chuyện thực sự xúc động đã diễn ra tại phòng Phó Hiệu trưởng. Ngày Nhà giáo Việt Nam, cô giáo nào cũng nhận được hoa từ học trò. Chỉ có Bình không có hoa, Bình đi xin hoa của các cô giáo khác rồi cung kính mang đến tặng cô Lâm. Khó khăn lắm Bình mới nói trọn vẹn được lời chúc 20/11 và hát bài hát Ba thương con. Không chỉ cô Lâm xúc động mà tụi em đứng xung quanh cũng sụt sùi. Đâu ai tưởng tượng được, cậu bé hay đánh bạn, nói tục chửi thề, hay ăn vạ thời gian trước nay có nhiều thay đổi và ngoan ngoãn hơn, tình cảm hơn như bây giờ. Có được điều này phải kể đến tâm sức của cô Kim Lâm. Không chỉ Bình quý cô, chúng em cũng quý cô Lâm như Bình vậy. Với chúng em, cô luôn là cô giáo chân thành, nhiệt huyết, và hết lòng vì học sinh. Cô mới về trường nhưng cô được rất nhiều thầy cô yêu quý. Chưa hết, cô còn viết chữ rất đẹp và có giọng hát rất hay, truyền cảm. Bình thường cô rất hòa đồng vui vẻ thậm chí là hài hước nữa nhưng khi làm việc cô lại trở lên nghiêm khắc. Bất kì một hoạt động nào của nhà trường cũng luôn thấy sự xuất hiện của cô với tinh thần trách nhiệm cao, nụ cười luôn tươi tắn và hết lòng với nhà trường, với học sinh. Riêng em cũng đã từng may mắn được cô trực tiếp chỉ dạy. Cô đã dạy em cách dẫn dắt vấn đề, trình bày trước mọi người. Cô chỉ em cách viết sao cho đẹp, trình bày bài vở sao cho khoa học. Nhiều khi cô nghiêm khắc khiến em cũng rất sợ nhưng em biết cô đang làm mọi thứ tốt nhất để chúng em đạt kết quả tốt trong học tập, thi đua. Cũng từ khi cô về trường, hoạt động ngoại khóa hay phong trào thi đua đều có những sự thay đổi tích cực hơn và đạt được nhiều kết quả cao trong những dịp thi thố với các trường bạn. Đối với em, cô Kim Lâm là một cô giáo tuyệt vời nhất mà em từng gặp. Phòng Hiệu phó lúc nào cũng mở cửa không phải chỉ có Bình ở đó mà cô luôn sẵn sàng giúp đỡ chúng em khi cần. Mỗi ngày tan trường, em đều nghe tiếng gọi “Bình ơi, giúp cô đóng cửa, tắt đèn” rồi lại thấy cô Lâm đi về, miệng nở nụ cười với chúng em. Hình ảnh đó thật đẹp và em sẽ còn nhớ mãi đến sau này.