Thế kỉ XXI, thế kỉ của sự phát triển về mặt Công nghệ – Thông tin, xuất hiện những nhà sáng chế, lập trình viên đã sáng tạo ra những game điện tử, mạng xã hội như Facebook, Instagram,… nhằm mục đích cho mọi người thư giãn sau những ngày học, và làm việc căng thẳng. Tuy nhiên, hiện tượng “NGHIỆN” trở nên phổ biến, tràn lan ở khắp mọi nơi. Ta có thể bắt gặp những cậu học sinh ngồi “túc trực” trên chiếc ghế quán Net cùng những chiếc máy tính với những trận Solo hấp dẫn cả ngày. Hay có những người trở thành “con nghiện” của mạng xã hội vẫn ngồi đó và cầm chiếc Smartphone đếm lượt like, lượt share,… từ mọi người dành cho mình. Xã hội càng hiện đại, rồi vắng đi hình bóng của một cô cậu học trò dành thời gian rảnh để làm những công việc có ích cho đời. Nhưng không, vẫn còn một cậu học sinh của trường THCS Nguyễn Bỉnh Khiêm thư giãn những căng thẳng sau giờ học bằng cách tạo ra những sản phẩm tái chế.
Cậu bạn mà tôi muốn nhắc đến tên là Phan Nguyễn Song Khoa – học sinh lớp 8/5 trường THCS Nguyễn Bỉnh Khiêm. Khoa là một người sống theo chủ nghĩa “R-E” ( Recycle Everything ). Hầu như, giờ giải lao bạn luôn dành thời gian cho những sản phẩm của mình. Vỏ chai nhựa, vỏ lon, chai thủy tinh đã cũ, … là những người bạn thân thiết nhất của bạn ấy, hình như đã trở thành tri kỉ của nhau từ bao giờ. Ước mơ của Khoa chính là tự mình thiết kế một căn nhà chỉ sử dụng sản phẩm tái chế của bản thân. Tuy độ tuổi vẫn còn nhỏ, nhưng tư tưởng trong tương lai rất cao. Một cậu bạn luôn ước mơ về một thế giới chỉ dùng đồ tái chế để môi trường xanh-sạch-đẹp. Có lần tôi tâm sự cùng Song Khoa:
– Khoa này! Tại sao cậu lại thích sáng tạo những sản phẩm tái chế thế?
– Tớ cũng không biết nữa, chỉ là tớ thấy chúng rất hữu ích trong việc góp phần bảo vệ môi trường.
– Vậy cơ duyên nào đưa Khoa tới “con đường tái chế”?
– À… chẳng có cơ duyên gì cả! Tự nhiên tớ thấy yêu chúng đến lạ!
Dường như, “Tái chế sản phẩm” đã trở thành đam mê của cậu học sinh lớp 8. Bạn ấy luôn mài mò, tìm kiếm những bộ phận, những công thức để lắp ghép chúng lại với nhau tạo nên một sản phẩm. Ngày qua ngày, đêm qua đêm, bàn học kia vẫn sáng rực lên một ước mơ to lớn của cậu học trò nhỏ.
Sản phẩm tái chế đầu tay của cậu bạn nhỏ là “Máy bắt muỗi”. Nó được thiết kế từ vải mùng, ống nhựa và đèn LED. Song Khoa đã bắt đầu tái chế chiếc máy ấy vào năm ngoái và đã gặt hái được thành công nhỏ cho riêng bản thân mình. Từ đó về sau, những sản phẩm tiếp theo lần lượt “ra đời” như: loa kiêm đèn ngủ, máy quạt mini,… Chúng được đem ra dự thi những cuộc thi do nhà trường tổ chức và liên tục giành được nhiều giải thưởng và lời khen từ phía bạn bè, thầy cô cùng người thân,… Qua một quãng đường dài, Song Khoa đã minh chứng cho chúng ta thấy “Đã ước mơ, đã đam mê là sẽ làm được, thậm chí còn rất thành công”.
Tôi nghĩ , Song Khoa sẽ là tấm gương cho các bạn trẻ, bạn học sinh noi theo. Và trong tương lai, cậu ấy sẽ có rất nhiều sản phẩm mới để ra mắt với chúng ta. Hy vọng rằng, ngọn lửa đam mê trong bạn luôn rực cháy, luôn bền vững để đạt đến ước mơ của bản thân vào một ngày gần nhất.