2.Câu chuyện: “NHỮNG GIÂY PHÚT CUỐI CÙNG CỦA BÁC HỒ”

1350
Ngày 17/8/1969, sức khỏe của Bác đã suy giảm, nhưng Người vẫn lên xuống nhà sàn làm việc và nghe báo cáo tình hình. Theo đề nghị của bác sĩ, ngày 18/8, Bác được chuyển xuống ở và làm việc tại ngôi nhà A67. Ngôi nhà này chỉ cách nhà sàn của Bác vài chục bước chân, tiện cho việc theo dõi và chăm sóc sức khỏe của Người.

Sau gần 20 ngày chống chọi với bệnh tật, Bác yếu lắm nhưng Người đã “Quên nỗi mình đau để nhớ chung”, hễ tỉnh lại là Người hỏi: Hôm nay miền Nam đánh thắng đâu? Ở Hà Nội, đê vỡ có nhiều không? Có kịp sơ tán dân đi không?

Mấy ngày sau đó, các y bác sĩ đã phát hiện thấy tim Bác có vấn đề, cần  phải giữ gìn thận trọng. Thế rồi, đã đến thời điểm Bác Hồ phải nằm yên 1 chỗ.

Tối 30-8-1969, Bác lại phải trải qua một cơn đau và sau đó đi vào hôn mê sâu. Những biện pháp tốt nhất được các bác sĩ sử dụng để cấp cứu cho Bác. Rồi Bác dần dần tỉnh lại. Thấy Thủ tướng Phạm Văn Đồng đang đứng cạnh, Bác hỏi:

“Các chú chuẩn bị lễ Quốc khánh đến đâu rồi?”

Nghe đồng chí Phạm Văn Đồng báo cáo, Bác dặn dò:

“Các chú phải tổ chức lễ quốc khánh thật long trọng để cho nhân dân vui. Phải nhớ bắn pháo hoa mừng chiến thắng để cổ vũ tinh thần chiến đấu của nhân dân”.

Bác còn muốn ra dự lễ để gặp đồng bào dù chỉ năm, mười phút.Mọi khi Bác chỉ ăn một thìa cơm, nhưng tối đó Bác nhắc xới thêm thìa nữa, để ăn cho chóng khỏe còn ra dự Lễ Quốc khánh. Rõ ràng, trong những giây phút cuối cùng, đứng giữa ranh giới mong manh của sự sống và cái chết, Bác vẫn luôn nghĩ cho đồng bào, cho đất nước, “nâng niu tất cả chỉ quên mình”.

Nhưng cho dù muôn người có mong mỏi, cho dù các bác sĩ đã tận tình và bản thân Người đã cố gắng nhưng Bác không thoát khỏi quy luật nghiệt ngã của sự tồn vong. 9 giờ sáng ngày 2 tháng 9, Bác phải trải qua một cơn đau nặng làm cho Bác phải quặn nghiêng người và cứ thế lịm dần. Và 9h15 trái tim Bác ngừng đập hẳn. Các bác sĩ thay nhau dùng sức ấn lên ngực Bác mong sao tim Người đập trở lại. Cho đến 9 giờ 47 phút, Thủ tướng Phạm Văn Đồng trào nước mắt:

“Thôi các đồng chí ạ. Bác của chúng ta không qua khỏi nữa rồi. Bác đã trút hơi thở cuối cùng vĩnh biệt chúng ta.”

9 giờ 47 phút ngày 2 tháng 9 năm 1969, từ nơi ở của Bác truyền đến cho nhân dân và nhân loại nỗi đau, để cho: Đời tuôn nước mắt, trời tuôn mưa. Khi đài phát thanh vừa đưa tin, trời đổ mưa tầm tã. Vòm trời Ba Đình như trĩu nặng một nỗi buồn. Những giọt nước mắt hòa lẫn nước mưa chảy mãi như không bao giờ hết trong niềm tiếc thương vô hạn. Vậy là mong ước cháy lòng của Người là được ra gặp đồng bào trong lễ quốc khánh không thực hiện được, bởi Người ra đi đúng vào ngày Người đọc bản Tuyên ngôn Độc lập! Lễ đài năm ấy và mãi về sau không còn xuất hiện hình bóng quen thuộc của Người.

Tuy Bác đã đi xa nhưngNgười còn để lại muôn vàn tình thương yêu cho toàn dân, toàn Đảng, cho toàn thể bộ đội, cho các cháu thanh niên và nhi đồng… Khi còn sinh thời, Bác luôn tâm niệm rằng trên đất nước này, nếu nước nhà chưa được thống nhất, thì Người còn cảm thấy đau đớn khôn nguôi; nếu có một người Việt Nam còn đói, rét, dốt, bệnh tật thì Hồ Chí Minh cho rằng mình chưa hoàn thành trách nhiệm, còn có lỗi với đồng chí, đồng bàoNgười đau nỗi đau chia cắt đất nước, vui, buồn cùng với nhân dân. Trong trái tim mênh mông của Bác, ai là người Việt Nam đều có phần trong đó cả.

Chúng ta – thế hệ thanh niên được sinh ra và trưởng thành trong bối cảnh đất nước được hòa bình, phát triển, soi mình vào cuộc đời, vào tình yêu thương bao la của Bác, chúng ta mới thấy sự cống hiến cho cuộc đời, cho đất nước của bản thân còn quá nhỏ bé. Bác Hồ đã từng nói: “Một năm khởi đầu từ mùa xuân, một đời người khởi đầu từ tuổi trẻ. Tuổi trẻ là mùa xuân của xã hội”. Thế hệ thanh niên trong thời đại Hồ Chí Minh đã “Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước/Mà lòng phơi phới dậy tương lai” thì thế hệ trẻ chúng ra hôm nay phải luôn tu dưỡng và rèn luyện đạo đức theo gương Bác Hồ vĩ đại, biết biến nhận thức thành hành động để trở thành “những người lính đi đầu” trong thời đại mới. Bởi vậy, hơn bao giờ hết việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh theo chỉ thị 05 của Bộ chính trị chính là trách nhiệm, là nghĩa vụ quan trọng của mỗi đoàn viên, thanh niên chúng ta. Hãy tự nguyện dâng hiến sức trẻ của mình cho cuộc đời, cho tổ quốc để trở thành những “Mùa xuân nho nhỏ/ Lặng lẽ dâng cho đời”.