Đảng ta xác định, thanh niên Việt Nam là lực lượng quan trọng trong sự nghiệp cách mạng của dân tộc, là chủ nhân tương lai của đất nước. Việc nâng cao nhận thức, trách nhiệm và phát huy sức mạnh tổng hợp của hệ thống chính trị, thực hiện có hiệu quả các giải pháp trên các lĩnh vực là cơ sở quan trọng để thanh niên Việt Nam – nòng cốt là các tổ chức đoàn, hội – phát huy mạnh mẽ, hiệu quả hơn nữa vai trò của mình trong sự nghiệp cách mạng của Đảng và của dân tộc.
Quan điểm, chủ trương của Đảng về công tác thanh niên và tổ chức đoàn
Trong các thời kỳ cách mạng, Đảng Cộng sản Việt Nam luôn quan tâm lãnh đạo công tác thanh niên và Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh. Đảng thống nhất lãnh đạo công tác thanh niên và coi đó là nhiệm vụ chiến lược quan trọng nhằm vận động, tập hợp, đoàn kết thanh niên và chăm lo bồi dưỡng, đào tạo, phát huy thanh niên. Nghị quyết số 25-NQ/TW, ngày 25-7-2008, của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X, “Về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác thanh niên thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa” đã đánh giá cao vai trò của thanh niên và xác định rõ nhiệm vụ đào tạo, bồi dưỡng, phát huy thanh niên: “Thanh niên là rường cột của nước nhà, chủ nhân tương lai của đất nước, là lực lượng xung kích trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, một trong những nhân tố quyết định sự thành bại của sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước, hội nhập quốc tế và xây dựng chủ nghĩa xã hội. Thanh niên được đặt ở vị trí trung tâm trong chiến lược bồi dưỡng, phát huy nhân tố và nguồn lực con người. Chăm lo, phát triển thanh niên vừa là mục tiêu, vừa là động lực bảo đảm cho sự ổn định và phát triển vững bền của đất nước”(1).
Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng xác định mục tiêu, khơi dậy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc, phấn đấu đến giữa thế kỷ XXI, nước ta trở thành nước phát triển, theo định hướng xã hội chủ nghĩa. Đồng thời, Đại hội cũng đặt ra mục tiêu đối với thế hệ trẻ: “Tăng cường giáo dục thế hệ trẻ về lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống văn hoá, nâng cao lòng yêu nước, tự hào dân tộc, nuôi dưỡng ước mơ, hoài bão, khát vọng vươn lên; nêu cao tinh thần trách nhiệm đối với đất nước, với xã hội; xây dựng môi trường, điều kiện học tập, lao động, giải trí, rèn luyện để phát triển lành mạnh, toàn diện, hài hòa cả về trí tuệ, thể chất và giá trị thẩm mỹ. Tạo động lực cho thanh niên xung kích trong học tập, lao động sáng tạo, khởi nghiệp, lập nghiệp; làm chủ các kiến thức khoa học, công nghệ hiện đại, phát huy vai trò quan trọng trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Chăm lo bồi dưỡng, giáo dục, phát triển toàn diện và bảo đảm quyền của trẻ em; dành những điều kiện tốt nhất, sự chăm lo chu đáo nhất cho trẻ em – tương lai của đất nước”(2).
Công tác thanh niên là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, của toàn xã hội, của mỗi cán bộ, đảng viên và nhân dân. Trong đó, Đảng là hạt nhân lãnh đạo, chỉ đạo, chính quyền có vai trò, trách nhiệm trong việc tổ chức thực hiện, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị – xã hội phối hợp giáo dục, bồi dưỡng, phát huy thanh niên. Nghị quyết số 25-NQ/TW chỉ rõ, xây dựng Đoàn vững mạnh là nội dung quan trọng trong công tác xây dựng Đảng, là xây dựng Đảng trước một bước. Đảng đề ra đường lối, chủ trương định hướng cho thanh niên hành động; xác định các chuẩn mực cho thanh niên phấn đấu; xây dựng các tấm gương điển hình tiêu biểu cho thanh niên học tập và noi theo.
Giải pháp nâng cao nhận thức, trách nhiệm về công tác thanh niên
Để nghị quyết của Đảng về công tác thanh niên đi vào cuộc sống, cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền phổ biến và truyền thông nhằm nâng cao nhận thức cho cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên và người dân về quan điểm, chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về công tác thanh niên, tập trung thực hiện các giải pháp sau:
Thứ nhất, các cấp ủy, lãnh đạo chính quyền, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị – xã hội bảo đảm quyền tiếp cận của đoàn viên, thanh niên với chính sách và luật pháp (như: được biết chính sách và luật pháp sắp được ban hành; đối thoại và tham vấn thanh niên; huy động thanh niên tham gia vận động chính sách và phản biện chính sách; tuyên truyền, phổ biến cho đoàn viên, thanh niên hiểu về chính sách và luật pháp); triển khai thực hiện chính sách và luật pháp.
Các cấp ủy coi trọng nhiệm vụ chăm lo xây dựng Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh thực sự vững mạnh về chính trị, tư tưởng và tổ chức, xứng đáng là tổ chức của thanh niên, vì thanh niên. Mở rộng mặt trận đoàn kết, tập hợp thanh niên trong nước và ngoài nước bằng nhiều hình thức đa dạng, phong phú. Chú trọng nâng cao chất lượng đoàn viên, chất lượng cán bộ đoàn, nhất là chất lượng về chính trị, tư tưởng và tính tiên phong, gương mẫu, trách nhiệm nêu gương của cán bộ và đoàn viên. Đổi mới mạnh mẽ phương thức hoạt động của Đoàn, nhất là ở cơ sở, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo. Đồng hành với thanh niên và cảm thông, chia sẻ với thanh niên, thấu hiểu tâm tư, nguyện vọng của thanh niên, chăm lo đáp ứng những lợi ích hợp pháp và nhu cầu chính đáng của thanh niên, kịp thời định hướng, hỗ trợ, giúp đỡ thanh niên. Xây dựng Đoàn vững mạnh làm nòng cốt chính trị trong các hội của thanh niên. Thực hiện tốt nhiệm vụ phụ trách Đội Thiếu niên Tiền phong Hồ Chí Minh và quan tâm chăm sóc, hướng dẫn, giáo dục thiếu niên, nhi đồng.
Thứ hai, đổi mới nội dung và phương thức giáo dục chủ nghĩa Mác – Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh, chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước phù hợp với tâm lý, trình độ nhận thức của thanh niên; tăng cường giáo dục lý tưởng cách mạng, truyền thống văn hóa, lịch sử của Đảng và dân tộc cho thanh niên; tập trung vào các nội dung chủ yếu sau:
– Tiếp tục đổi mới phương thức, nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, giáo dục về chính trị tư tưởng, học tập chủ nghĩa Mác – Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh, quán triệt chủ trương, đường lối và các nghị quyết của Đảng, của Đoàn; tăng cường các hình thức tạo diễn đàn trao đổi, đối thoại có tính tương tác với đoàn viên, thanh niên; thường xuyên nắm bắt tình hình tư tưởng, định hướng dư luận trong thanh niên thông qua mạng lưới thăm dò dư luận xã hội do Đoàn tổ chức; đổi mới nội dung và phương thức học tập các bài học lý luận chính trị trong đoàn viên, thanh niên; chủ động, tích cực đấu tranh có hiệu quả với những luận điệu chống phá của các thế lực thù địch nhằm vào thanh, thiếu niên.
– Chú trọng tuyên truyền, giáo dục về truyền thống yêu nước, đoàn kết, cần cù, sáng tạo và khát vọng vươn lên trong mọi hoàn cảnh, bồi dưỡng, xây dựng lớp thanh niên có bản lĩnh, tự tin đảm nhận vai trò chủ nhân tương lai của đất nước. Giáo dục truyền thống vẻ vang của Đảng, của Đoàn, ý thức giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, truyền thống của quê hương, gia đình, tiếp thu có chọn lọc tinh hoa văn hóa nhân loại; đấu tranh với các biểu hiện, hành vi đi ngược lại với chuẩn mực giá trị xã hội, truyền thống tốt đẹp của dân tộc.
– Triển khai sâu, rộng các nội dung giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống văn hóa, nâng cao lòng yêu nước, tự hào dân tộc, nuôi dưỡng ước mơ, hoài bão, khát vọng cống hiến vì Tổ quốc; nêu cao tinh thần trách nhiệm đối với đất nước, với xã hội, gắn với các phong trào hành động cách mạng của Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam, Đội Thiếu niên Tiền phong Hồ Chí Minh. Nghiên cứu chỉnh sửa, bổ sung nội dung Chương trình “Rèn luyện đoàn viên”, Chương trình “Rèn luyện đội viên”, các cuộc vận động trong các nhóm đối tượng thanh niên phù hợp với tình hình mới và khả năng tổ chức thực hiện.
– Tiếp tục đổi mới và triển khai sâu rộng các mô hình giáo dục giá trị sống, kỹ năng xã hội. Tăng cường định hướng giá trị thông qua các loại hình văn hóa, văn học – nghệ thuật. Định hướng cho thanh niên phát triển loại hình văn hóa hiện đại mang tính khoa học và nhân văn, tham gia bảo tồn và phát triển các lễ hội văn hóa.
– Đẩy mạnh tổ chức các hoạt động giáo dục, hỗ trợ nhằm giảm số lượng đối tượng thanh, thiếu niên chậm tiến, tạo điều kiện để những thanh, thiếu niên lầm lỡ tái hòa nhập cộng đồng và không tái vi phạm pháp luật.
– Tăng cường giáo dục thanh niên thông qua những tấm gương điển hình tiên tiến, cá nhân có thành tích vượt trội. Cán bộ, đảng viên phải làm gương về đạo đức, học tập, lao động. Thường xuyên chú trọng xây dựng, phát hiện, nhân rộng những mẫu hình cá nhân tiêu biểu, vượt trội ở các nhóm đối tượng thanh niên. Lấy “xây” để “chống”, làm cho các giá trị tốt đẹp có sức lan tỏa trong cộng đồng thanh niên.
– Đoàn Thanh niên chủ động phối hợp với nhà trường, gia đình và xã hội trong giáo dục đạo đức, lối sống cho thanh, thiếu nhi; làm cho thế hệ trẻ hôm nay biết yêu cuộc sống, giàu lòng nhân ái, kế thừa và phát huy những giá trị nhân văn của dân tộc, ứng xử văn minh, thanh lịch, nghĩa tình; chú trọng nêu gương người tốt, việc tốt; dám bày tỏ chính kiến, đấu tranh với cái xấu. Kiên quyết đấu tranh chống các biểu hiện tiêu cực, tham nhũng, từng bước bài trừ các tệ nạn xã hội.
Thứ ba, đổi mới phương thức tuyên truyền, phổ biến, giáo dục chính sách và luật pháp cho thanh niên bằng những hình thức mới bảo đảm sự tham gia của đoàn viên, thanh niên ngay từ khâu xây dựng, vận động, phản biện, tuyên truyền, phổ biến, chủ động thực hiện, kiểm tra và giám sát. Các cấp ủy, lãnh đạo chính quyền định kỳ tổ chức đối thoại với thanh niên về chính sách và lãnh đạo các đoàn thể nhân dân, nhất là Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh thực hiện những hình thức mới, như đối thoại, diễn đàn, tham vấn và tư vấn thanh niên trong xây dựng và thực hiện chính sách.
Thứ tư, phát huy ưu thế của các phương tiện truyền thông hiện đại, đa phương tiện, hệ thống báo chí, xuất bản của Đoàn và báo chí chính thống của Đảng, Nhà nước trong công tác giáo dục, tuyên truyền, phổ biến chính sách và luật pháp cho thanh niên bằng hình thức diễn đàn, đối thoại, các gameshow, trao đổi của thanh niên về thực hiện chính sách và luật pháp; sử dụng có hiệu quả các hình thức, công cụ tuyên truyền, giáo dục mới, như internet, các phương tiện truyền thông xã hội… Các cấp bộ đoàn tiếp tục phát huy ứng dụng internet, các phương tiện truyền thông xã hội để chuyển tải thông tin qua cổng thông tin điện tử của Đoàn, hệ thống website của các tỉnh đoàn, huyện đoàn, các đơn vị đoàn trực thuộc, thư điện tử cho đội ngũ cán bộ, đoàn viên, thanh niên…; xây dựng các diễn đàn trên mạng để trở thành kênh thông tin phục vụ cho việc trao đổi, chia sẻ của thanh niên về thực hiện chính sách. Đặc biệt, cần chỉ đạo việc thực hiện văn hóa ứng xử trên không gian mạng của người dân, nhất là đối với thanh niên.
Thứ năm, khai thác hiệu quả các nguồn lực xã hội trong công tác vận động, tuyên truyền, giáo dục thanh, thiếu nhi. Nâng cao hiệu quả các chương trình phối hợp; lồng ghép các hoạt động của Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam, Đội Thiếu niên Tiền phong Hồ Chí Minh với các đoàn thể nhân dân và các chủ thể xã hội khác, nhằm giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống văn hóa cho thanh niên. Lựa chọn, phân công cán bộ giỏi lý luận, kỹ năng, nghiệp vụ, nắm chắc thực tiễn làm công tác vận động, tuyên truyền, giáo dục thanh niên; thường xuyên đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao năng lực cho đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên, duy trì và phát triển đội ngũ cộng tác viên trong công tác tuyên truyền, giáo dục của Đoàn.
Thứ sáu, có các giải pháp hỗ trợ, khuyến khích cán bộ, đoàn viên tự tìm hiểu, tự học chính sách và luật pháp. Coi cán bộ, đoàn viên là tuyên truyền viên làm nhiệm vụ tuyên truyền, phổ biến chính sách và luật pháp cho thanh niên và người dân.
Giải pháp về cơ chế phối hợp đồng bộ, liên ngành trong công tác thanh niên
Sự phối hợp liên ngành trong việc chăm lo bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của thanh niên là cơ chế có tính ưu việt nhằm tạo ra sự thống nhất về nội dung, phương thức và tạo ra nguồn lực cần thiết để thực hiện chính sách phát triển thanh niên. Cơ chế phối hợp liên ngành trong thực hiện nghị quyết của Đảng về công tác thanh niên được thực hiện như sau: Một là, các cơ quan quản lý nhà nước về thanh niên, các ngành giáo dục, lao động, y tế, văn hóa, quân đội, công an… phối hợp và lồng ghép hoạt động với nhau dưới sự điều phối của Ủy ban quốc gia về thanh niên Việt Nam và Bộ Nội vụ (cơ quan được giao quản lý thanh niên); Hai là, các cơ quan quản lý nhà nước về thanh niên và quản lý lĩnh vực có liên quan đến phát triển thanh niên phối hợp và lồng ghép các hoạt động với Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các đoàn thể nhân dân, nhất là Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, các tổ chức của thanh niên để làm công tác định hướng, giáo dục chuẩn mực giá trị, đạo đức, lối sống cho thanh niên; Ba là, sự phối hợp và lồng ghép hoạt động giữa các cơ quan quản lý nhà nước và các đoàn thể nhân dân với nhà trường và cộng đồng dân cư trong thực hiện công tác định hướng, giáo dục chuẩn mực giá trị, đạo đức, lối sống cho thanh niên; Bốn là, sự phối hợp giữa nhà trường với gia đình trong định hướng, giáo dục chuẩn mực giá trị, đạo đức, lối sống cho thanh niên; Năm là, sự phối hợp giữa đoàn thể nhân dân và nhà trường với các đơn vị của lực lượng vũ trang, các đơn vị cung ứng dịch vụ xã hội và các doanh nghiệp trong định hướng, giáo dục chuẩn mực giá trị, đạo đức, lối sống cho thanh niên.
Trong thực tế, sự phối hợp liên ngành trong thực hiện nghị quyết của Đảng về công tác thanh niên là cơ chế có tính ưu việt nhằm tạo ra sự thống nhất về nội dung, phương thức và tạo ra nguồn lực cần thiết để thực hiện. Trong thời gian tới, cần tiếp tục tập trung thực hiện các giải pháp sau:
Thứ nhất, dưới sự lãnh đạo của các cấp ủy, chính quyền và các cơ quan quản lý nhà nước về thanh niên cần phối hợp chặt chẽ, đồng bộ, thiết thực với các chủ thể xã hội để xây dựng và thực hiện chính sách phát triển thanh niên.
Thứ hai, các cấp chính quyền, trong phạm vi quyền hạn của mình bố trí đủ nguồn lực cho các chủ thể xã hội tham gia thực hiện nghị quyết của Đảng về công tác thanh niên.
Thứ ba, các cấp ủy cần giao cho Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh làm đầu mối trong việc xã hội hóa, nhằm huy động sức mạnh tổng thể trong thực hiện chính sách phát triển thanh niên.
Thứ tư, các chủ thể xã hội sử dụng các hình thức phối hợp sau: Tổ chức ký nghị quyết, chương trình hoặc kế hoạch liên tịch; tổ chức các hội nghị, hội thảo; tổ chức các diễn đàn thanh niên; phối hợp kiểm tra, đánh giá liên ngành việc thực hiện chính sách; nghiên cứu tác động của chính sách đối với phát triển thanh niên.
Thứ năm, Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh các cấp cần chủ động phối hợp và lồng ghép các hoạt động với chính quyền, gia đình, nhà trường, các doanh nghiệp, đơn vị cung ứng dịch vụ xã hội và hợp tác xã, các đơn vị của lực lượng vũ trang, các tôn giáo, cộng đồng dân cư trong thực hiện chính sách phát triển thanh niên; lồng ghép các hoạt động với các chủ thể xã hội khác trong xây dựng và thực hiện nghị quyết của Đảng; lồng ghép các hoạt động xây dựng tổ chức, phát động phong trào với hoạt động thực hiện Nghị quyết số 25-NQ/TW đối với công tác thanh niên.
Thứ sáu, các cấp bộ đoàn tiếp tục đẩy mạnh chương trình phối hợp hoạt động với Chính phủ, ủy ban nhân dân các cấp, các ban, ngành, các đoàn thể, tổ chức kinh tế – xã hội ở Trung ương và địa phương, để tạo nên sức mạnh tổng hợp và huy động nguồn lực cho công tác thanh niên./.
——————–
* Bài viết là sản phẩm của đề tài khoa học: “Nghiên cứu đổi mới nội dung phương thức hoạt động của Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh và các tổ chức thanh niên Việt Nam trong tình hình mới”. Mã số: ĐTĐL.XH-05/22
(1) https://tulieuvankien.dangcongsan.vn/van-kien-tu-lieu-ve-dang/hoi-nghi-bch-trung-uong/khoa-x/nghi-quyet-so-25-nqtw-ngay-2572008-hoi-nghi-lan-thu-bay-ban-chap-hanh-trung-uong-dang-khoa-x-ve-tang-cuong-su-lanh-dao-612
(2) Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021, t. I, tr. 168 – 169