Shop quần áo đặc biệt dưới chân cầu thang bệnh viện

51

Tận dụng không gian rộng rãi dưới chân cầu thang bệnh viện, các y bác sĩ đã thiết kế thành ‘shop 0 đồng’ đẹp mắt, phân loại từng bộ quần áo phù hợp cho bệnh nhân để ai cần đến lấy.

Shop quần áo đặc biệt dưới chân cầu thang bệnh viện - Ảnh 1.

Sáng kiến “shop 0 đồng” được các y, bác sĩ chi đoàn Bệnh viện Đa khoa huyện Tràng Định, Lạng Sơn triển khai suốt 5 năm qua – Ảnh: HÀ THANH

“Đẹp quá, bất ngờ quá…”

Đưa chồng từ huyện Thạch An (tỉnh Cao Bằng) xuống Bệnh viện Đa khoa huyện Tràng Định điều trị, bà Bùi Thị Nụ (66 tuổi) không giấu được xúc động bước vào “shop 0 đồng” để lựa quần áo cho chồng.

“Đẹp quá, bất ngờ quá, không gian cửa hàng sạch sẽ, ít có nơi nào như thế này. Bà rất phấn khởi. Cảm ơn các cháu rất nhiều, món đồ nhỏ nhưng có ý nghĩa. Bà đỡ phải ra ngoài kia mua. Ở đây mua không mất tiền nữa” – bà Nụ bộc bạch.

Bị xuất huyết dạ dày phải điều trị nhiều ngày ở viện, bệnh nhân Lương Văn Quân (20 tuổi) kể, mới đầu vào viện được bác sĩ giới thiệu về “shop 0 đồng” mua quần áo không mất tiền nên Quân tìm đến.

“Mua ở ngoài kia một cái áo phải mất khoảng 70.000 đồng, còn ở đây mua không mất tiền đâu. Mình vui quá vì có quần áo mặc” – Quân bày tỏ.

Shop quần áo đặc biệt dưới chân cầu thang bệnh viện - Ảnh 2.

Bà Bùi Thị Nụ, người nhà bệnh nhân, không giấu được niềm vui được lựa chọn quần áo ở “shop 0 đồng” – Ảnh: HÀ THANH

Năm 2018, “shop 0 đồng” được chi đoàn Bệnh viện Đa khoa huyện Tràng Định triển khai để giúp đỡ cho các bệnh nhân và người nhà khó khăn đang điều trị tại bệnh viện.

Anh Nguyễn Ngọc Hà – bí thư chi đoàn bệnh viện – cho biết, hằng tuần, hơn 30 y bác sĩ trẻ của bệnh viện chia thành hai tổ, tiếp nhận quần áo từ các nhà hảo tâm, các tổ chức và tập thể trên địa bàn huyện.

Sau đó họ lựa chọn quần áo, phân loại, vệ sinh quần áo, đưa đến bộ phận hấp – sấy khô và cuối cùng phân loại thêm một lần nữa mới “bày bán” tại cửa hàng với giá 0 đồng.

Trao gửi yêu thương, nhận lại tấm lòng

Tận dụng không gian rộng rãi dưới chân cầu thang, các y bác sĩ đã thiết kế, cải tạo “shop 0 đồng” với những móc treo quần áo ngay ngắn để bệnh nhân có cảm giác thoải mái khi lựa chọn

Ở huyện vùng cao Tràng Định, hầu hết các bệnh nhân đến bệnh viện đều là đồng bào dân tộc Tày, Nùng, Dao… có hoàn cảnh rất khó khăn. Sáng kiến của chi đoàn Bệnh viện Đa khoa huyện Tràng Định đã góp phần giảm bớt gánh nặng khi điều trị, sẻ chia với bệnh nhân.

Shop quần áo đặc biệt dưới chân cầu thang bệnh viện - Ảnh 3.

Sáng kiến “shop 0 đồng” được các y, bác sĩ chi đoàn Bệnh viện Đa khoa huyện Tràng Định, Lạng Sơn triển khai suốt 5 năm qua – Ảnh: HÀ THANH

Đặc biệt, với các trường hợp sản phụ hay bệnh nhi đến điều trị tại viện, các y bác sĩ còn tìm hiểu về hoàn cảnh gia đình và sẵn sàng quyên góp, giúp đỡ cho bệnh nhân. Họ còn tự tay lựa chọn quần áo cho sản phụ, bệnh nhi và mang lên phòng bệnh.

Điều dưỡng Dương Vân Anh (khoa sản) vẫn nhớ mãi câu chuyện về vợ chồng sản phụ khuyết tật được hàng xóm đưa đến sinh tại viện.

Ngày xuống viện, họ chẳng mang theo bất kỳ đồ dùng gì, cũng không có tiền. Vậy là các y, bác sĩ cùng quyên góp tiền để giúp sản phụ mua cơm, mua đồ dùng cho sản phụ và tự tay lựa quần áo ở “shop 0 đồng” mang lên giường bệnh cho sản phụ.

“Bệnh nhân đến đây điều trị, chúng tôi thông cảm với nhau. Khi giúp được người khác thấy cuộc sống có ý nghĩa lắm” – chị Vân Anh giãi bày.

Cảm động trước tấm lòng của y, bác sĩ ở viện, rất nhiều trường hợp bệnh nhân điều trị khỏi bệnh, sản phụ được giúp đỡ sinh con thành công đã quay lại viện “hành động thay lời nói cảm ơn”.

Nữ điều dưỡng xúc động kể, hễ có dịp qua viện hay đến phiên chợ, bà con từ trong bản mang ra những củ khoai, bắp, cây đặc sản để tặng bác sĩ.

Shop quần áo đặc biệt dưới chân cầu thang bệnh viện - Ảnh 4.

Điều dưỡng Vân Anh lựa chọn quần áo cho sản phụ, em bé và mang lên phòng bệnh trao cho người nhà – Ảnh: HÀ THANH

“Khi bác sĩ nhận thì họ vui lắm, vì bác sĩ đã nhận tấm lòng của họ rồi” – chị nói.

Đến nay, “shop 0 đồng” đã hoạt động được suốt 5 năm qua, trở thành sợi dây nối tấm lòng của các nhà hảo tâm, các tổ chức và đội ngũ y, bác sĩ ở huyện Tràng Định đến với người bệnh khó khăn.

Điều mà các y, bác sĩ mong muốn là ngày càng có nhiều người biết đến “shop 0 đồng”, quyên góp nhiều quần áo để giúp đỡ được nhiều bệnh nhân hơn nữa.