Chiều ngày 23.8, Tọa đàm “Từ Hội An ra Thế giới: Hành trình trở thành Công dân Toàn cầu” được tổ chức tại TP.Hội An (Quảng Nam). Đây là chương trình do Thành đoàn Hội An & Hoianlife phối hợp cùng Trung tâm VH-TT và TT- TH TP Hội An; UN- Habitat; Zeeko, Viện Công nghệ giáo dục (CGD và sự hỗ trợ của Công ty TNHH Giáo dục Sáng tạo Wemaster; Công ty TNHH Giáo dục quốc tế iYES) tổ chức.
Tọa đàm lần này là chuỗi các hoạt động nhằm trao đổi triển khai thực hiện các nội dung của Đề án Xây dựng Thành phố Sáng tạo 2024- 2027, định hướng đến 2030 (lĩnh vực thủ công và nghệ thuật dân gian) của UBND thành phố. Cùng với việc gia nhập Mạng lưới các thành phố sáng tạo toàn cầu của UNESCO, Thành phố Hội An có rất nhiều cơ hội giao lưu, trao đổi, hội nhập với 350 thành phố khác đến từ hơn 100 quốc gia khác trên toàn thế giới.
Đồng nghĩa điều đó, vai trò của việc đổi mới sáng tạo, trang bị tư duy công dân toàn cầu cho lãnh đạo trẻ tiềm năng của địa phương đang trở thành yêu cầu cấp thiết. Để thanh niên Thành phố Hội An trở thành những Công dân toàn cầu thời kỷ nguyên số, sở hữu phẩm chất và kỹ năng cần thiết, thông qua việc thúc đẩy đổi mới sáng tạo và đào tạo, phát triển các câu lạc bộ nhà lãnh đạo trẻ tại địa phương, chủ động kết nối với mạng lưới các nhà lãnh đạo trẻ quốc tế, góp phần thúc đẩy phát huy bản sắc của một thành phố di sản, thành phố sáng tạo toàn cầu và phát triển bền vững là mục tiêu hướng đến của chương trình.
Tại buổi tọa đàm, thông qua các chia sẻ của chuyên gia, các đại biểu đã cùng nhau làm rõ các khái niệm và đưa ra những giải pháp cụ thể cho hành trình trở thành công dân toàn cầu cho thế hệ lãnh đạo trẻ của Quảng Nam thông qua các chủ đề đáng lưu ý, gồm:
• “Tư duy và giáo dục công dân toàn cầu trong bối cảnh kỷ nguyên số” của diễn giả Hồ Thanh Bình – Phó Viện trưởng Viện Công nghệ Giáo dục (CGD) nhấn mạnh tầm quan trọng then chốt của việc trang bị những kiến thức, kỹ năng và cách giáo dục công dân toàn cầu trong thời đại kỹ thuật số. Để đạt được hiệu quả, chúng ta cần phải hiểu đúng và đầy đủ về khái niệm này, từ đó xây dựng một lộ trình rõ ràng để chuẩn bị để trở thành công dân toàn cầu cho thế hệ trẻ, phù hợp với những yêu cầu cấp thiết trong kỷ nguyên số hiện nay.
• “Vai trò tiên phong của thanh niên trong tiến trình đổi mới sáng tạo của địa phương” do diễn giả Kiều Việt Cường – Cán bộ Chương trình và Quản lý dự án của UN-Habitat.
• “Giải pháp đào tạo tư duy công dân toàn cầu và năng lực đổi mới sáng tạo cho thanh thiếu niên theo cách tiếp cận của PSHE” do bà Ngô Phương Thảo – Chủ tịch Hôi đồng thành viên Hoianlife – Chuyên gia cố vấn và huấn luyên cấp cao của Chương trình Nhà lãnh đạo Tài Ba – Magical Leaders chia sẻ.
Tại tọa đàm, hơn 50 thanh thiếu niên đại diện cho thế hệ lãnh đạo trẻ Hội An đã có cơ hội thể hiện ý tưởng của mình về các quan điểm xây dựng thành phố sáng tạo trên các lĩnh vực; được trải nghiệm thực hành Lớp học Công dân toàn cầu – Nhà lãnh đạo tài ba (Magical Leaders) từ Bà Ngô Thị Phương Thảo – Nhà sáng lập – Chủ tịch Hội đồng thành viên Hoianlife; Master Trainer (Cố vấn và nhà huấn luyện cấp cao) của Chương trình Nhà Lãnh đạo Tài Ba – Magical Leaders. Magical Leaders là được biên soạn theo chương trình PSHE (giáo dục cá nhân, xã hội, y tế và kinh tế) của Vương quốc Anh và đã được chứng minh là triển khai có hiệu quả ở Châu Âu. Phiên bản triển khai ở Việt Nam được phát triển với sự phối hợp của Công ty Công nghệ giáo dục Zeeko (Ireland) và Viện Công nghệ giáo dục (Việt Nam) nhằm mang đến một chương trình hiện đại, tiên tiến, một mini MBA về đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp dành cho thanh thiếu niên tại Việt Nam.
Trở thành công dân toàn cầu đang là một xu thế tất yếu của thế giới, là mục tiêu mà giới trẻ đang hướng đến và phấn đấu thực hiện. Vậy giới trẻ Việt Nam nói chung, và Hội An nói riêng cần làm gì để có thể có thể có được “tấm hộ chiếu đi khắp hành tinh” ấy? Câu trả lời là cần thông qua học tập và trải nghiệm. Và Tọa đàm “Từ Hội An ra Thế giới: Hành trình trở thành Công dân Toàn cầu” là hoạt động thật sự ý nghĩa cho giới trẻ địa phương trong giai đoạn hiện nay./.
THÀNH ĐOÀN HỘI AN