Đất nước ta đã trải qua biết bao thăng trầm và bể dâu mới có được nền độc lập và tự do như hôm nay. Lớp lớp những thế hệ hi sinh quên mình vì Tổ quốc mà lịch sử còn nhắc tên họ mãi. Chúng ta làm sao có thể quên được anh hùng Tô Vĩnh Diện lấy thân mình chèn pháo hay anh hùng Phan Đình Giót lấy thân mình lấp lỗ châu mai,…và hàng ngàn những con người đã hi sinh vì màu cờ đỏ thắm, vì độc lập tự do và vì lòng yêu nước sáng ngời. Với những sự cống hiến cho Cách mạng như vậy, ông Huỳnh Phước Cư mà em sắp kể sau đây sẽ càng khiến cho chúng ta thêm tự hào về mảnh đất Hội An anh hùng này.
Công cuộc kháng chiến trường kì của chúng ta thắng lợi là nhờ vào sự lãnh đạo tài ba của Bác, của Đảng và tinh thần yêu nước nồng nàn của quân và dân trên mọi nẻo đường Tổ quốc. Trong đó có Hội An, quê hương em – Một mảnh đất giàu truyền thống lịch sử Cách mạng và văn hóa, mảnh đất nuôi dưỡng tâm hồn của biết bao người con anh dũng và đầy nhiệt huyết trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ Quốc. Cho dù chiến tranh đã lùi xa, nhưng mỗi khi nhắc về những chiến công của quê hương, những người Cẩm Thanh vẫn không quên nhắc đến Thiếu tá Huỳnh Phước Cư – nguyên Chính trị viên phó Thị đội Hội An, người đã có công lớn trong trận đồng khởi giải phóng xã Cẩm Thanh. Ông đã vinh dự được Chủ tịch nước tặng thưởng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân. Điều để lại ấn tượng mạnh mẽ trong em chưa hẳn là câu chuyện ông kể về những năm tháng khói lửa chiến tranh mà chính là những suy nghĩ, trăn trở đeo đuổi ông suốt nhiều năm dấn thân làm Cách mạng .
Hòa bình đã lặp lại nhiều năm nhưng đến nay ông Cư vẫn giữ nếp sống, suy nghĩ của người bộ đội Cụ Hồ, vẫn sống cuộc sống thầm lặng, giản dị cho dù những đóng góp cuả ông cho sự nghiệp đấu tranh cách mạng của quê hương là đặc biệt xuất sắc. Được Đảng, chính quyền thành phố Hội An động viên nhiều lần nhưng đến khi tuổi tác đã xế chiều ông mới làm cho mình hồ sơ khen thưởng thành tích trong kháng chiến của mình. Ông là chiến sĩ Cách mạng hoạt động trong lòng địch thời gian khá dài và nguy hiểm rình rập nhưng không phải ai cũng hiểu và cũng ít khi ông tâm sự. Ông đã có những đóng góp, những việc làm mà không phải ai cũng làm được, đặc biệt là sự kiện Cẩm Thanh – địa phương đầu tiên ở Hội An đứng lên đồng khởi thắng lợi vào ngày 27-9-1964.
Nhớ về những năm tháng đã qua, Anh hùng lực lượng vũ trang Huỳnh Phước Cư nói như tâm sự : “Mọi người thấy đấy, cây dừa nước, rừng dừa nước Cẩm Thanh trong chiến tranh là nỗi ám ảnh kinh hoàng với quân thù song một đời dừa vẫn lặng lẽ. Nhưng điều lạ là không có sức mạnh nào có thể quật ngã được cây dừa. Quân giặc từng cho máy bay oanh tạc ném bom, rải chất độc hóa học hòng thiêu rụi rừng dừa, nhưng chỉ vài tháng sau dừa lại lên xanh tốt, bền bỉ, can trường. Ông bảo: “Những người con của mảnh đất này cũng vậy, chẳng ai sinh ra để làm anh hùng, nhưng trước sự xâm lược, giết chóc tàn bạo của quân thù nên họ đứng lên để giữ làng giữ nước, tiếp nối truyền thống đánh giặc của quê hương đất Quảng anh hùng. Bản thân dẫu có được phong danh hay không thì mình vẫn tự hào là người con kiên trung của đất rừng dừa Cẩm Thanh”. Chỉ cần là tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc thì dù mưa bom lửa đạn, mọi người dân vẫn đứng lên, quyết không để kẻ thù cướp lấy mảnh đất quê hương Việt Nam thân yêu.
Trên mảnh đất Cẩm Thanh “trung dũng kiên cường” vẫn còn nhiều và rất nhiều người con anh hùng đã anh dũng hy sinh để giải phóng quê hương. Máu và xương của các anh đã thấm vào từng tấc đất, tô đẹp thêm truyền thống anh hùng, bất khuất của quê dừa Bảy Mẫu Cẩm Thanh. Chỉ bấy nhiêu thôi mà trường tồn với sông núi, bấy nhiêu thôi mà vọng mãi đến hôm nay và mãi đến muôn đời mai sau; bấy nhiêu thôi mà đã thúc dục, cổ vũ triệu triệu con người đi theo con đường mà họ đã lựa chọn, tự nguyện hiến dâng tuổi thanh xuân của mình để chiến đấu vì Tổ quốc thân yêu. Nhưng có lẽ, đối với em, thiếu tá Huỳnh Phước Cư là nhân chứng sống tiêu biểu trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam thân yêu.
Người viết
Kiều Ánh Phương- Lớp 9/5