Liên đội THCS Nguyễn Duy Hiệu: Tổng hợp Những câu chuyện đẹp năm học 2019-2020

1289

**BÀI VIẾT THÁNG 12/2019**
~~BÀI 1: Anh Võ Thời Nay – người thanh niên ưu tú của phố Hội ~~

Trên địa bàn Thành phố Hội An đã có rất nhiều tấm gương nghèo vượt khó và đã được rất nhiều thành tích đạt giải cấp quốc gia. Tiêu biểu ở đây chính là anh Võ Thời Nay. Anh sinh ra và lớn lên tại thôn Đồng Nà, xã Cẩm Hà, thành phố Hội An.


Anh sinh ra ở một gia đình khó khăn, nhà có 3 anh chị em. Cha làm nghề nuôi trồng thủy sản, mẹ phụ bán hàng trái cây cho người chị. Là con út trong nhà nhưng anh không thích cưng chiều mà luôn nỗ lực học tập,rèn luyện để trở thành con ngoan,trò giỏi. Nhà anh Nay không có đủ điều kiện học tập như bao đứa trẻ khác. Góc học tập của anh chỉ có một cái kệ nhỏ, một cái bàn và một chiếc đèn học. Mỗi buổi tối, anh ngồi dưới bóng đèn mập mờ, cặm cụi học bài. Đã học lớp 10 nhưng anh vẫn không hề biết đến mạng xã hội và chỉ thích đọc sách. Có lần anh từng nói:
-Thật ra tôi không biết gì nhiều về mạng xã hội hay bất cứ thông tin gì nhiều.Tôi chỉ chú tâm vào việc học, giờ rảnh thì giúp đỡ gia đình.
Tuy hoàn cảnh gia đình còn rất nhiều khó khăn nhưng anh Nay đã vượt qua mọi khó khăn, vươn lên trong học tập, trở thành học sinh xuất sắc. Bí quyết giúp anh học tập tốt là luôn kiên trì, nỗ lực và đặc biệt phải biết tự học, tự nghiên cứu. Các năm học tiểu học và THCS anh đều đạt học sinh giỏi. Cả ba năm học trường chuyên Lê Thánh Tông, anh đều xuất sắc đạt được các giải thưởng như: Năm học 2014-2015: Huy chương Bạc môn Vật lý kì thi Olympic 30/4 lần thứ 21. Năm học 2015-2016: đoạt giải Khuyến khích học sinh giỏi Quốc gia môn Vật lý; giải Nhất kì thi học sinh giỏi môn Vật lý toàn tỉnh ; giải Nhất thí nghiệm thực hành môn Vật lý toàn tỉnh; Huy chương Vàng môn Vật lý kì thi Olympic 30/4 lần thứ 22. Không dừng lại ở đó, năm học 2016-2017 anh còn xuất sắc đạt được giải Nhất học sinh giỏi môn Vật lý toàn tỉnh; giải Nhất Casio Vật lý 12 toàn tỉnh cùng 2 giải: giải Nhì học sinh giỏi toàn quốc 2017 vào tháng 1 và dành được suất học bổng Nga sau khi tham dự kỳ thi Olympic Vật lý du học Nga do Bộ GD-ĐT tổ chức vào đầu tháng 3 với kết quả là 27/30 điểm. Dù anh nhận được học bổng nhưng anh quyết định sẽ không đi du học mà ở lại quê hương để góp phần xây dựng đất nước. Những giải thưởng anh mang về đều làm cho gia đình, thầy cô và bạn bè rất vui và tự hào. Tuy học giỏi nhưng anh không bao giờ tỏ thái độ kiêu căng mà vẫn hòa đồng với mọi người nên luôn được thầy yêu bạn mến. Hiện tại bây giờ, anh đang học ở Trường Đại học Khoa học tự nhiên ở Hà Nội.
Với những nỗ lực cố gắng, hy vọng một ngày không xa những ước mơ hoài bão của anh Nay sớm thành hiện thực. Anh Võ Thời Nay là một niềm tự hào và hãnh diện rất lớn đối với mảnh đất Hội An thân yêu. Anh là một tấm gương tốt để chúng em học tập và noi theo.

~~BÀI 2 ~~

Trong công cuộc kháng chiến chống giặc ngoại xâm, đất nước đã có hàng vạn người con ưu tú đã anh dũng hy sinh bảo vệ từng tất đất, biển đảo của Tổ quốc. Để ghi nhớ công lao của các vị anh hùng dân tộc đã hy sinh xương máu vì dân, vì nước, lịch sử dân tộc ta có vô vàn những tấm gương tiêu biểu trong công cuộc xây dựng và bảo vệ đất nước. Họ đã sẵn sàng cống hiến tuổi xuân, cống hiến sức trẻ cho dân tộc, đất nước được hồi sinh.
Trên vùng đất Cẩm Nam, bên dòng sông hiền hòa, thơ mộng đã sinh ra một người con ưu tú. Cựu chiến binh Đinh Văn Lời đã sớm tham gia hoạt động Cách mạng tại địa phương. Đầu năm 1964, những ngày sôi sục nhất của dân tộc trong cuộc kháng chiến chống kẻ thù xâm lược, ông được tổ chức bố trí vào nội thành phố cổ Hội An tại số nhà 70 Lê Lợi . Trong vai người đi ở đợ, ông Lời và các đồng chí của minh có nhiệm vụ tuyên truyền cách mạng cho quần chúng nhân dân và xây dựng biệt động thành Hội An. Bên cạnh đó ông còn học được nghề mộc để vừa che mắt địch, vừa nuôi sống bản thân. Lúc bấy giờ ông được làm Đội trưởng Đội biệt động Hội An chỉ huy các đồng chí hoạt động bí mật. Tại đây các đồng chí Cách mạng của ta ban ngày làm nhiều việc như đạp xích lô, làm thuê, ban đêm thì hoạt động cách mạng. năm 17 tuổi, ông được kết nộp Đảng, ông tham gia chiến dịch mùa xuân 1968, ông Lời bị địch bắt và đày ra Côn Đảo. Sau ngày đất nước được hoàn toàn giải phóng, ông trở về và tham gia công tác tại địa phương, ông cùng vợ làm nghề bơi đò để trang trải cuộc sống gia đình và nuôi các con, kinh tế gia đình lúc bấy giờ rất khó khăn, thu nhập ít ỏi,. Không chùn bước trước mọi hoàn cảnh, xứng danh là người chiến sĩ Cách mạng, ông đã chuyển sang nghề mộc, ông quyết tâm vươn lên và xóa bỏ đói nghèo, từng bước xây dựng và phát triển sản xuất, tạo ra nhiều sản phẩm phong phú, đa dạng đáp ứng nhu cầu tham quan và mua sắm của khách du lịch trong và ngoài nước. Năm 2001, từ một cơ sở sản xuất nhỏ lẻ, ông đã thành lập công ty TNHH Mộc Kim Bồng, công ty đã giải quyết được rất nhiều việc làm cho người lao động. Song song với thành quả kinh tế, giám đốc Đinh Văn Lời luôn làm được những việc tốt cho mọi người và xã hội. Ông đã đầu tư hàng trăm triệu đồng và hàng chục tấn gạo để mở Trung tâm Nuôi dưỡng và dạy nghề miễn phí, lành nghề cho hơn 150 người, số học viên này có việc làm thường xuyên, đời sống kinh tế ổn định. Ngoài ra, đối với công tác từ thiện, ông cũng đóng góp và ủng hộ hàng trăm triệu đồng, gạo, hỗ trợ xây dựng nhà tình nghĩa cho Bà mẹ Việt Nam anh hùng…Ông Đinh Văn Lời còn là một doanh nhân rất giỏi, trước đây ông làm chủ khách sạn Vạn Lợi trên địa bàn Cẩm Nam, tạo được công ăn việc làm và thu nhập cho nhiều người, góp phần ổn định cuộc sống của người dân. Bây giờ ông đã lớn tuổi, ông giao công việc kinh doanh cho các con của mình, nhưng ông là tấm gương sáng để chúng em học tập và noi theo. Em rất ngưỡng mộ tấm gương của ông Đinh Văn Lời.
Chúng ta thường nói “ Tre già thì măng mọc”. Sinh thời Bác Hồ luôn kỳ vọng vào thế hệ trẻ Việt Nam những “Chủ nhân tương lai của đất nước”. Bác viết: “Một năm khởi đầu là mùa xuân, một đời khởi đầu từ tuổi trẻ. Tuổi trẻ là mùa xuân của xã hội”. Người kỳ vọng đối với học sinh, sinh viên nước nhà. Trong thư gửi học sinh nhân ngày khai trường năm học đầu tiên khi nước nhà độc lập Người viết:
“Non sông Việt Nam có trở nên tươi đẹp hay không, dân tộc Việt Nam có bước tới đài vinh quang để sánh vai với các cường quốc năm châu được hay không chính là nhờ một phần lớn ở công học tập của các em”.
Nếu trong chiến tranh, các thế hệ thanh niên Việt Nam đã tỏ ra xứng đáng với những kỳ vọng lớn lao của Bác Hồ, làm rạng danh non sông đất nước thì thế hệ trẻ hôm nay với lòng yêu nước nồng nàn, với khát vọng dựng xây đất nước đang ngày đêm phấn đấu không ngừng nghỉ trong học tập, nghiên cứu khoa học, lao động sản xuất, đóng góp xứng đáng vào sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước trong thời kì đổi mới.
Em nghĩ rằng trong cuộc sống của chúng ta bây giờ đa số các bạn có điều kiện, được cha mẹ nuôi dưỡng, bảo bọc, được thầy cô quan tâm, dạy dỗ nên chúng ta phải cố gắng học tập thật giỏi, biết vâng lời thầy cô, bố mẹ để đạt được những thành tích học tập tốt nhất, sau này trở thành những người chủ tương lai, những nhân tài của đất nước Việt Nam. Mỗi học sinh chúng ta phải ra sức học tập cần sống có ước mơ, hoài bão, sống tốt, sống đẹp, sống có ích, không ngừng phấn đấu vươn lên, cống hiến sức trẻ cho đất nước.

~~BÀI 3: ĐÔI BẠN ~~

Cách đây hai năm, tôi có một người bạn mới chuyển về từ huyện Quế Sơn. Bạn ấy không cùng học chung lớp với tôi nhưng không hiểu sao ngay từ cái nhìn đầu tiên tôi đã bắt gặp ánh mắt đầy  hiền dịu và chân thật của bạn và thế là chúng tôi gắn kết với nhau từ khi bạn đến học trường Lương Thế Vinh.

Bạn ấy tên là Nguyễn Thị Ngọc Hân ở Quế Ninh xã Quế Thuận huyện Quế Sơn tỉnh Quảng Nam.Ngọc Hân sinh ra đã bị bệnh động kinh bẩm sinh. Hoàn cảnh gia đình bạn ấy rất khó khăn. Mẹ ở nhà chăm sóc đứa con bệnh tật lúc nào cũng lên cơn co giật đau buốt lòng. Để lo cho gia đình người cha phải vào thành phố Hồ Chí Minh lập nghiệp. Nhưng công việc quá nặng nhọc nên sức khỏe cha suy yếu dần. Trong một lần lao động, người cha bị tai nạn phải nằm viện. Mẹ Ngọc Hân lại mang đứa con bệnh tật vào tận thành phố Hồ Chí Minh để chăm sóc chồng và con gái ốm đau. An cư ở nơi đất khách nhưng chồng và con sức khỏe không ổn định nên người mẹ một lần nữa bị suy sụp. Nhưng được sự an ủi giúp đỡ của những đồng hương Quế Sơn nên vợ chồng cũng đỡ bớt một phần khó khăn. Theo thời gian và được sự chăm sóc chu đáo của cả cha mẹ Ngọc Hân cũng đỡ dần những cơn co giật. Thế nhưng, cơn gió bão vừa mới lặng, thổi mơn man mát nhẹ thì cha con Ngọc Hân lại một lần nữa gặp một cơn sóng dữ ập đến. Không hiểu vì lí do gì mà người mẹ bao nhiêu năm bên cạnh đứa con bệnh tật đã bỏ nhà ra đi theo tiếng gọi của đồng tiền. Hai cha con lại bước đến bờ vực thẳm lần nữa. Người cha đau xé lòng khi nhìn đứa con bệnh tật bơ vơ thiếu vắng mẹ. Lúc này Ngọc Hân vừa tròn bảy tuổi, tuổi bước vào lớp Một. Lúc này, Hân may mắn được một cô giáo chủ nhiệm lớp thương yêu đùm bọc nên bạn ấy bắt kịp nhịp học tập tốt và sức khỏe của bạn cũng tốt hơn.  Như một sức mạnh vô hình nào đó che chở, nâng đỡ, Hân trở nên mạnh mẽ, quyết tâm để vượt qua hoàn cảnh, vượt qua chính mình để vươn lên trong học tập. Thế là bắt đầu từ đó năm nào bạn ấy cũng là học sinh xuất sắc. Có lần bạn tâm sự với em “ Mình đau ốm liên miên, ở với ba thiếu tình thương yêu chăm sóc của mẹ nhưng ba lại hay đau ốm nên mình thấy bản thân mình cần phải nỗ lực tự thân vận động, phải phấn đấu học tập thật giỏi để sau này trở thành bác sĩ chữa bệnh cho mình và cho ba của mình”. Nói đến đây hai hàng nước mắt Hân rơi dài trên má. Em ôm chầm lấy bạn và nói “Hân yên tâm mình sẽ là bạn đồng hành của bạn trong thời gian còn lại và bạn còn yên tâm hơn khi có mẹ mình – cô giáo chủ nhiệm của Hân sẽ chắp cánh cho bạn bay tiếp trong thời gian đến.”. Từ đó em và Hân trở nên thân thiết như hai chị em. Nhìn Ngọc Hân xinh xắn dễ thương đầy nghị lực nhưng mỗi khi bạn lên cơn đau co giật trông bạn tội nghiệp làm sao. Nhiều lúc như đùa vậy đang vui chơi cùng các bạn trong lớp thì cơn co giật ập đến. Rồi sau khi đi viện về là Hân như tờ giấy trắng, kiến thức học tập của bạn như không không cánh mà bay. Lúc ấy, em và bạn ấy bắt đầu việc học tập cùng nhau. Mỗi buổi chiều sau giờ học ở trường, mẹ chở em và Hân cùng về nhà mình. Hai đứa cùng ăn cơm và cùng học bài. Bài nào không hiểu, chúng em nhờ mẹ giảng hộ. Sau mấy tháng đồng hành cùng nhau, bạn Hân đã bắt đúng nhịp và học tâp tốt hẳn lên. Cuối năm học lớp 5, bạn Hân được danh hiệu học sinh xuất sắc và được nhận học bổng của khuyến học trao tặng. Thật đáng khâm phục bạn ấy đấy. Bạn chính là tấm gương vượt khó tiêu biểu để nhiều bạn học sinh noi theo. Mình cũng mong rằng căn bệnh quái ác đó hãy rời xa Ngọc Hân để bạn ấy thực hiện được ước mơ của mình.

————————————————————————————————-

**BÀI VIẾT THÁNG 05/2020**
~~BÀI 1: Nguyễn Sự – người giữ vóc dáng Hội An ~~

Tiếng nhạc du dương nơi phố Hội lắng lại trong lòng, trong tim mọi người – những ai đã sống ở đây, hay đơn thuần là những lữ khách. Hội An – nơi mà cuộc sống cứ bình lặng, an yên, nơi mà dòng chảy thời gian không bào mòn đi được. Một cái đẹp được ngưng đọng. Nhưng nhắc đến cái đẹp, cái hồn của Hội An, người ta chẳng bao giờ quên nhắc đến tên ông: “Nhờ chú Sự mà được vậy đó”. Lời ấy không phải ngẫu nhiên, mà đều xuất phát từ những gì ông đã nghĩ, đã làm cho mảnh đất nhỏ bé này.
Ông Nguyễn Sự nguyên là bí thư Hội An, làm lãnh đạo tròn 21 năm, mà ông vẫn nói khoảng thời gian đó là “ một phần tư thế kỷ của đời người”. Trong 21 năm ấy, ông không ngừng cống hiến, phục vụ hết mình cho việc xây dựng thành phố. Chính ông tìm ra và giữ gìn cái hồn của Hội An. Ông vẫn tự hỏi mình về mâu thuẫn giữa giữa đồng tiền và linh hồn phố Hội, phải chọn phát triển du lịch hay tăng cao chỉ số hạnh phúc của người dân. Có lẽ chính câu hỏi đó đã thúc đẩy ông làm việc không ngừng, với bao lần trăn trở.


Hội An trong ông là một linh hồn tuy đẹp, mang đầy ý nghĩa văn hoá, nhưng mong manh. Theo ông văn hoá tưởng bền vững nhưng thực chất như lớp bụi mỏng, dễ tan đi. Ông còn cho rằng cái đẹp của Hội An là cái đẹp ở con người. Bởi đó, ông rất tán thành đề án “nhân tình thuần hậu”, cho rằng đây là một cách “hâm nóng” lại nếp sống tốt đẹp vốn có trong con người nơi đây. Ông muốn giữ Hội An sao cho vừa theo kịp tốc độ phát triền vừa duy trì được nét văn hoá độc đáo, riêng biệt. Năm 1994, ông chủ trương làm trật tự phố, vạch đương để xe và vỉa hè cho người đi bộ. Tiếp theo đó là việc cấm xe vào phố cổ, ban đầu là xe ô tô, sau là cả xe máy. Kế hoạch của ông cũng như mọi kế hoạch khác, “vạn sự khởi đầu nan”, nhưng sau một thời gian, người dân đều đồng tình. Từ đó phố cổ Hội An ra đời, với một nhịp điệu yên tĩnh, trầm lắng, nhưng không kém phần độc đáo, thú vị.
Nhớ lại những ngày đầu định hướng phát triển du lịch ở Hội An – mảnh đất nhỏ bé, nông nghiệp không phải thế mạnh, tìm một con đường phát triển Hội An là một điều khó khăn. Đến năm 1993, Hội An mới bắt đầu tập làm du lịch, lúc ấy ngư nghiệp còn là mũi nhọn. Ông Sự bắt đầu bằng việc xây 8 phòng nghỉ, cho vay 300 triệu đồng từ ngân sách. Việc làm này chịu nhiều phản đối của người dân, cho là đầu tư không đâu vào đâu. Nhưng sau một thời gian, họ đều nhận thức được vấn đề cần chuyển dịch kinh tế bấy giờ. Thời điểm đó, khách Hội An chỉ khoảng 50-70 khách mỗi năm, bây giờ lên tới trên 4 triệu khách du lịch mỗi năm. Giờ đây du lịch phát triển, giữ tỷ trọng 75% GDP của thành phố mà trước đó là con số 0. Nhắc đến chuyện trước đây, ông vẫn tâm sự: “Những người từng ghét mình, phản đối mình sau này còn quý mình hơn cả, hạnh phúc chi bằng!”.
Có lẽ khá bất ngờ với nhiều người khi ông Bí thư Thành uỷ Hội An lại được trao tặng giải thưởng văn hoá Phan Châu Trinh- giải thưởng trước nay dành cho những nhà văn, nhà giáo dục, nghiên cứu nghệ thuật,… Bàn về điều này, Nguyên Ngọc cho rằng: “Hội An là tác phẩm sống của Nguyễn Sự”, cứ căn cứ vào tác phẩm này thì thấy tài năng của người nghệ sĩ vậy. Hơn 20 năm, ông đã làm nên một Hội An bình dị, đẹp đẽ với những con người nhân tình thuần hậu. Ông đã làm nên linh hồn cho mảnh đất mà ai đi qua cũng ngạc nhiên: “ ở đây có một sự cuốn hút lạ kỳ”.
Ông đã từ chức về hưu một thời gian, mà theo ông nói là để những mầm xanh phát triển. Nhưng Hội An chưa từng vắng ông – con người mộc mạc giản dị, chất phác, chân thành.
Phát triển Hội An cũng là phát triển đất nước. Nước ta cũng sẽ đi lên, đuổi theo các nước khác, kịp thời đại mà cũng không quên bản sắc văn hoá vốn có của mình. Ông không chỉ là cán bộ xuất sắc của Hội An, mà còn là đảng viên góp công xây dựng Tổ quốc, bằng từng chút cống hiến của mình.
Có lẽ đi dạo trong phố cổ, ta sẽ bắt gặp ông trên chiếc xe đạp quen thuộc. Lắng tai nghe một khúc nhạc vọng lại từ phố cổ, ta lại nghĩ đến con người nặng tình nghĩa ấy. Hội An càng phát triển, ta càng phải nghĩ đến hành trình vĩ đại của ông. Người ta bảo 21 năm làm việc của ông có thể đem viết thành sách.
Nguyễn Sự, con người của một thời đã qua, còn chút gì để nhớ, để quên?

~~BÀI 2: LÊ ANH THƯ- CON NGƯỜI PHỐ HỘI GIÀU NGHỊ LỰC VÀ ƯỚC MƠ ~~

“ Hội An đất chật người đông
Nhân tình thuần hậu lá bông đủ màu”

Con người Hội An –những con người thật thà, chất phác, giản dị cũng vô cùng cần cù, giàu nghị lực sống. Những thanh thiếu niên phố Hội, những con người nắm trong tay chìa khóa vận mệnh của đất nước đang không ngừng ra sức thi đua học tập rèn luyện, đem tất cả tài năng sức mình để góp những bông hoa xinh đẹp nhất vào vườn hoa chung của dân tộc, để khẳng định Việt Nam trên bảng đồ thế giới. Với lý tưởng cao đẹp đó, chị Lê Anh Thư mà tôi kể sau đây sẽ cho ta tự hào và khâm phục một con người phố Hội giàu nghị lực và ước mơ.
Chị Thư năm nay 17 tuổi, là cựu hoc sinh trường THCS Nguyễn Duy Hiệu, hiện đang theo học trường THPT chuyên Lê Quí Đôn, Đà Nẵng. Chị là chị cả trong gia đình có ba chị em. Bố làm thợ may tại nhà, mẹ đi bán vải thuê. Hoàn cảnh gia đình khá khó khăn. Ngôi nhà nhỏ chật hẹp nằm ngay trong một con hẻm nhỏ. Thế mà nó đang ấp ủ cả một ước mơ đẹp đẽ của cô gái nhỏ nhắn đầy phi thường. Đi ngang qua ngôi nhà bạn sẽ thấy bao giờ cũng lấp lánh ánh đèn trên căn gác mái cũ, đó là nơi cô gái đó ngày đêm miệt mài trên từng trang vở,trang sách cặm cụi hàng giờ đồng hồ. Nhờ đó mà chị đã thu về cho mình những thành tích đáng nể. Suốt 4 năm học cấp hai chị đều là học sinh xuất sắc của trường. Chị nằm trong đội tuyển học sinh giỏi văn cấp trường rồi đến cấp thành phố. Những thành tích đi thi của chị khiến ai cũng choáng ngợp: giải nhì, giải nhất thi chuyên văn cấp thành phố, giải ba thi chuyên văn cấp tỉnh, giải nhất thuyết trình văn học trường, giải nhì thuyết trình văn học cấp thành phố. Thế nhưng nhiêu đó vẫn chưa khẳng định đủ tài năng, nghị lực của cô gái nhỏ nhắn này. Chị không tuyển thẳng lên trường THPT ở địa phương như bao bạn cùng chang lứa khác, chị liều mình đăng kí thi trường chuyên Lê Quí Đôn danh giá ở Đà Nẵng.Tôi từng hỏi chị rằng có sợ hay không, chị vui vẻ trả lời:
– Lúc ấy chị cũng sợ lắm, lỡ thi không được rồi bạn bè nó chê cười, phần còn vì gia đình còn khó khăn không trang trải đủ chi phí để chị đi học xa. Nhưng tuổi trẻ mà em cứ làm những gì mình muốn nếu không sau này sẽ phải ngậm ngùi tiếc nuối


Tôi bỗng xúc động với những chia sẽ chân thành, đầy lạc quan của chị. Thế nhưng đâu chỉ phải nói xuông, thi thử cho biết, không ai biết được rằng chị đã nỗ lực như thế nào để thi vào ngôi trường mơ ước của mình. Đáp lại những nỗ lực đó của chị là cái ngày chị cầm trên tay phiếu báo đậu. Cô gái trẻ bước từng bước đến ngôi trường mơ ước đó, vừa học vừa làm để trang trải học phí giúp cha mẹ. Từng có nhiều hôm thức đến 1,2 giờ sáng chỉ để nghiên cứu thêm bài vở, đã bao lần nổ lực học tập, tham gia các hoạt dộng tích cực để có được nhận học bổng. Nhưng mồ hôi công sức sẽ đánh đổi bằng những nụ cười trên môi, những thành tích của chị khiến ai nấy cũng nể phục. Chị nằm trong đội chuyên văn cấp trường, đi thi những cuộc thi quốc gia và đạt nhiều thành tích xuất xắc. Không chỉ đi theo đam mê về môn văn, chị còn chứng minh mình giỏi toàn diện với thành tích huy chương vàng cuộc thi Olympic miền Nam đáng nể.Học giỏi, chị bổng chốc trở thành tấm gương được nhiều người ái mộ, nhưng chị lại giản dị chất phác vô cùng như con người Hội An bao đời nay. Chị tích cực tham gia các hoạt động của lớp của trường, giao lưu học hỏi bạn bè cùng trang lứa, không bao giờ tỏ ra kiêu căng với bất kì người nào cả.
Mỗi cuối tuần đến chị lại về Hội An tham gia đình, hôm ấy tôi có dịp được gặp chị, cũng tò mò hỏi xem chút bí quyết học giỏi. Chị bật cươì bảo tôi:
– Bí quyết gì chứ em, quan trọng là bản thân ta thôi,đừng học thêm gì nhiều,hãy cố đọc nhiều sách, tự học là chính
Chị chia sẻ có khi chị ngốc nghếch đến nỗi ngồi tận 3 tiếng đồng hồ chỉ để giải một bài toán khó nhưng nhờ thế mà chị lai nhớ lâu hơn là khi đợi thầy cô giảng. Tôi muốn được như chị, một tấm gương sáng, một hình mẫu lý tưởng để tôi noi theo và học hỏi. Hi vọng chị sẽ gặt hái thành công trên chặng đường sắp tới.

Người viết: Đặng Như Bảo Quyên- Lớp 9/5

~~BÀI 3~~

– Sao cậu lại lượm cây bút đó cơ chứ, nó dơ lắm!
Cậu ta dơ cao cây bút lên trước mặt tôi với vẻ mặt hớn hở như một đứa trẻ được quà:
– Cậu coi nè, nó còn viết được mà!
Cái giọng chanh chua đó của tôi lại vang lên mỗi khi cậu ta lượm nhặt một cái gì đó còn có giá trị sử dụng.
Tôi cười nhạt:
– Vậy cậu dùng đi cũng được!
Tôi học với Nhi cũng gần hết 5 năm học cuối cùng của thời cấp 2 mộng mơ. Phải nói Nhi là một đứa học rất giỏi đứng nhất nhì lớp tôi. Cậu ta có ngoại hình cân đối với gương mặt trái xoan càng tôn thêm vẻ đẹp đáng yêu nhưng không kém phần nữ tính. Nếu tôi không nhầm thì dường như cả trường à không hầu hết các học sinh trên toàn địa bàn thành phố Hội An cũng đều biết đến cậu ta- Lê Tuyết Nhi học sinh lớp 9/5, Trường trung học cơ sở Nguyễn Duy Hiệu với những thành tích vàng mà học sinh tầm thường như chúng tôi khó tài nào với tới được: giải nhất trạng nguyên nhỏ tuổi năm lớp 4, giải nhì trạng nguyên nhỏ tuổi lớp 5, giải nhì học sinh giỏi văn cấp thành phố 3 năm liền, giải thuyết trình văn học năm lớp 8, và đạt danh hiệu học sinh giỏi cháu ngoan Bác Hồ 8 năm liền.
Với những thành tích vàng đó, tôi thực sự rất khâm phục Nhi nhưng với suy nghĩ ngây thơ và sự hồn nhiên của tôi đã khiến cho cậu ta càng mờ nhạt và xấu xí trước mắt tôi bởi cậu sinh ra trong một gia đình không mấy khá giả: mẹ đi bán ở chợ còn ba thì bây giờ vẫn chưa có công việc làm ổn định. Chính vì thế là cậu ta luôn thiếu thốn về mọi mặt cũng như đồ dùng học tập. Cứ mỗi khi nhặt bút mà lớp dưới đánh rơi cậu ta cũng đều nhặt lên rồi sử dụng lại như bình thường. “Những thứ này vứt đi thì uổng không ai lấy thì mình nhặt lên để dùng lại cũng được thôi.” Tôi thực sự rất ghét cậu ta nhưng những suy nghĩ xấu xa đó của tôi dường như biến mất và mãi mãi không bao giờ tồn tại trong tâm trí tôi khi tôi chứng kiến việc Nhi trao tặng tay cho đứa em nhỏ tật nguyền một số tiền mà cậu ta đã dành dụm tự bấy lâu nay:
– Chị cho em nè! Chị thật sự xin lỗi vì tài sản hiện giờ của chị chị có vỏn vẹn 20 ngàn đồng mà thôi. Thôi em cầm lấy mà mua cái gì đó ăn đi!
– Em cảm ơn chị nhiều lắm -Đứa bé gật gù cái đầu ráo riết cảm ơn.
Hai chúng tôi đợi con bé dần đi xa, dần khuất khỏi tầm mất chúng tôi, tôi mới hỏi nhỏ Nhi:
– Đó không phải là số tiền mà cậu chất chiu cả tháng mới có được hay sao? Tại sao cậu lại không để dành tiền để mua cái gì đó cho bản thân?
Cậu ta mỉm cười nhìn tôi với vẻ mặt đáng yêu và đôi mắt ngây thơ:
– Quả thật gia đình mình chẳng mấy giàu có, xung túc gì nhưng ít ra mình vẫn còn may mắn hơn những đứa trẻ lang thang ngoài kia.
Tôi thẫn thờ nhìn Nhi. Quả thật tôi đã sai, là bấy lâu nay tôi đã có những hành động và suy nghĩ xấu xa đó đối với Nhi. Cậu ta rất giỏi, rất tốt bụng với những người xung quanh nhưng lại bị méo mó, nhàu nát dưới con mắt khinh thường của tôi. Sống trên đời không phải chỉ nhìn vẻ bề ngoài hay hoàn cảnh mà phán xét con người ta. Hãy nhìn hành động cao đẹp những cử chỉ dịu dàng của họ sẽ một phần nào vơi đi sự ích kỷ, những suy nghĩ mù quáng từ tận đáy lòng của mỗi chúng ta.
Nhi không những cho tôi một bài học về đạo lý làm người mà còn xóa bỏ cái gì đó xấu xa trong con người tôi.


Và kể từ khi đó cũng như cho đến tận bây giờ, tình bạn giữa tôi và Nhi ngày càng được bền chặt. Nhi thường xuyên giúp đỡ chúng tôi trong học tập. Bên cạnh đó Nhi và tôi thường xuyên đến thư viên Thanh Hóa để giải toán cùng nhau, chỗ nào khó Nhi chỉ cho tôi và ngược lại. Nhờ có bạn mà thành tích học tập của tôi cũng như cả lớp cao hơn hẳn. Tôi thực sự cảm ơn Nhi rất nhiều. Cảm ơn vì tôi có một người bạn tốt như thế thế. Nhi không những tấm gương vượt khó trong học tập mà còn là tấm gương người tốt việc tốt đáng để chúng ta học hỏi và noi theo.

~~BÀI 4: Thầy Phạm Hồng Đức –
người Hiệu trưởng ưu tú của trường chúng em~~

Dù ở đâu bất cứ nơi nào, trường học luôn là mái nhà chứa đựng bao kí ức tươi đẹp của lứa tuổi học trò. Mỗi khi nhớ về là bao kỉ niệm bao niềm thân thương quấn lấy tâm trí chúng em. Trường Nguyễn Duy Hiệu nhận được thành công rực rỡ của ngày hôm nay tất cả là nhờ vào công lao to lớn của các thầy cô. Hình ảnh đó là kỉ vật vô giá trong lòng mỗi học trò cũng là điểm tựa to lớn để chúng em vững chắc bước tiếp đến tương lai. Tuy thời gian cứ trôi đi, làm mai một đi mọi thứ nhưng hình ảnh về người thầy kính yêu của em vẫn không bào giờ phai mờ – Thầy Phạm Hồng Đức.

Suốt 4 năm học và làm việc dưới mái trường thân thương, tình yêu của thầy cô trao cho mỗi học trò luôn đong đầy thiết tha. Ở nơi đó, em không chỉ học được những kiến thức mới mẻ, học được cách làm người mà mỗi học sinh còn học được cách thầy cô trân quý con người đến mức nào. Đó là niềm động lực là vinh dự tiếp thêm sức mạnh trên con đường học tập của chúng em. 4 năm không nhiều và không ít, đó là một quãng thời gian đủ để em trưởng thành biết yêu thương trân trọng mọi người xung quanh. Thành quả to lớn ấy tất cả là nhờ công sức lớn lao, người luôn luôn hướng mái trường đến vinh quang đến những thành tích tốt đẹp, thầy Hiệu trưởng Phạm Hồng Đức. Thời gian trôi qua thật mau, mới lúc trước đây em còn bỡ ngỡ xa lạ trước một môi trường mới nhưng bây giờ đã là đàn anh đàn chị trong ngôi trường. Quãng thời gian ấy có nhiều điều để nhớ, để thốt thành lời. Em vẫn còn nhớ khi mọi người đang chăm chú say mê nghe thầy cô giảng bài, thầy Đức là người đã tận tụy bước đến từng lớp từng cánh cửa để quan sát việc học tập và giảng dạy. Hình ảnh thầy gật đầu vui tươi mỉm cười khi thấy cả cô và trò đều hăng say học tập khiến lòng em như múa theo. Có lẽ niềm vui của thầy là nhìn thấy trẻ em chăm ngoan học tập, vui vẻ đến trường. Chẳng mấy chốc thầy quay người đi, hình bóng cao gầy ấy lướt thoảng qua chẳng ai hay biết. Em biết công việc của một người Hiệu trưởng luôn bộn bề tấp nập, nhưng thầy vẫn không quên dành một ít thời gian để theo dõi từng bước chân chúng em đi. Nhớ về những lúc ấy, lòng em lại dấy lên niềm bồi hồi xúc động, càng nhớ lại càng yêu thầy nhiều hơn !

Thấm thoát đã là năm cuối cùng, thời gian quả thật chẳng chờ đợi ai. Kỉ niệm của tuổi học trò, có muôn vàn câu chuyện để suy ngẫm, gợi lại một miền ký ức của thuở nào. Em còn nhớ, mỗi sáng thứ 2 dưới sân trường đầy nắng, học sinh chúng em sinh hoạt chào cờ, cái nắng chói chang luôn là điều khiến học sinh chúng em ai cũng than thở, nhọc lòng nhưng phía trên những bậc thềm ấy, thầy còn khổ, còn mệt hơn chúng em rất nhiều. Những câu nói hài hước, những câu chuyện cảm động không thiếu thứ gì, tất cả thầy đều chia sẻ với chúng em. Chính những câu chuyện đời thường ấy đã khiến cái nắng chói chang kia không còn quanh quẩn trong tâm trí của học trò nữa. Trước đây, nghe đến chào cờ thì mọi người luôn uể oải nhưng từ khi có sự góp mặt của thầy trong buổi sinh hoạt sáng đầu tuần ấy, chúng em cởi mở tích cực hưởng ứng hơn. Giờ đây chúng em chú tâm nghe thầy phát biểu, nghe thầy chia sẻ những thành tích và khuyết điểm trong thời gian học vừa qua. Tuy thầy không phải là người nghe giảng nhưng chính thầy còn nắm rõ bản thân của mỗi học sinh nhiều hơn chính cả họ nữa. Thầy biết ai còn chỗ nào chưa tốt để sửa đổi và chỗ nào tốt thì phát huy. Sự quan tâm mẫu mực ấy khiến chúng em ai ai cũng quý mến thầy.

Sẽ chẳng còn nhiều thời gian được bên thầy cô và bạn bè. Chúng em là những đàn anh, đàn chị sắp phải bước sang một cánh cổng hoàn toàn mới lạ. Nhưng bước sang cánh cổng ấy tụi em vẫn luôn hướng về mái trường hướng về thầy cô thân thương- nơi đã chắp cho chúng em những đôi cánh để bay thật xa, thật cao. Sang ngôi trường mới nhưng những kỉ niệm về ngôi trường này chúng em vẫn luôn luôn ấp ủ. Đặc biệt là hình ảnh tận tụy trong công việc của thầy Hiệu trưởng chúng em. Thầy là một người cha mẫu mực, luôn hết lòng với công việc, có lẽ thầy quan tâm học trò của mình còn nhiều hơn cả chính bản thân. Thầy là một tấm gương sáng, một đảng viên ưu tú để mọi người noi theo. Chúng em sẽ nhớ mãi không quên, người thầy kính yêu của tụi em – Thầy Phạm Hồng Đức.