**CÂU CHUYỆN THÁNG 11/2019**
TINH THẦN KHÔNG CAM CHỊU THẤT BẠI
“Không ai có thể chọn nơi mình sinh ra, nhưng có thể chọn cách mình sẽ sống”
Cuộc sống cho ta 2 con đường: ĐƯỢC trưởng thành và TỰ trưởng thành. Được trưởng thành là được lớn lên về ý thức và suy nghĩ trong môi trường có điều kiện, còn tự trưởng thành là buộc mình phải lớn lên, tự chủ và tự quyết định trong một hoàn cảnh không mong muốn. Chúng ta không được chọn cuộc sống nhưng được chọn cách sống. Có những hoàn cảnh, số phận phải tự mình lớn lên và quyết định tương lai, số phận nhưng gần gũi nhất là một người bạn cùng lớp với tôi – Nguyễn Ngô Quỳnh Chi, Học sinh lớp 9/5 Trường THCS Nguyễn Bỉnh Khiêm.
Quỳnh Chi là một người bạn mới chuyển vào lớp của tôi. Bạn từng ở Quảng Bình – 1 vùng quê khó khăn về cả kinh tế và môi trường tự nhiên, thường xuyên bị ảnh hưởng bởi thiên tai, bão lũ. Chi nhận thấy nơi đây không đủ điều kiện để bản thân phát triển về việc học tập, sinh sống và các nhu cầu khác nên Chi buộc mình phải xa ba mẹ, tự mình vào Hội An sống cùng với chị họ. Chấp nhận xa ba mẹ đã là điều khó, Chi tự thân vừa học vừa làm để hoàn thiện cuộc sống của mình.
Ở tuổi 14, là bạn cùng lớp với Chi, tôi nhận thấy bạn ấy thật kiên cường và quyết tâm cho một con đường học vấn được như các bạn khác. Buổi sáng sau 5 tiết học, Chi đi làm thêm tại một shop vải nhờ vào trình độ giao tiếp Ngoại ngữ tốt đến tối. Tối về nhà, bạn tự soạn bài, học bài để chuẩn bị cho ngày mai. Chi học theo phương pháp tự tìm hiểu, tự học chứ không đi học gia sư hay gì khác. Đối với sức lực của những bạn cùng trang lứa như tôi và các bạn, việc hằng ngày Chi làm, nghĩ đến thôi đã thấy mệt mỏi vì kiệt sức. Nhưng có vẻ “lửa thử vàng, gian nan thử sức”, bạn ấy dần quen với sự mài dũa của cuộc sống, biến mình thành một cô gái tuy còn nhỏ nhưng kiên cường, mạnh mẽ và tự lập.Tuy gặp nhiều khó khăn nhưng Chi vẫn luôn giữ thành tích học tập tốt khi bạn đang học tập tại ngôi trường THCS Hòa Trạch, huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình:
– Đạt danh hiệu học sinh giỏi 8 năm liền
– Đạt giải Nhì môn Tiếng Anh cấp Huyện, năm học 2018 – 2019
– Đạt giải Nhất cuộc thi Tài năng Tiếng Anh cấp Huyện, năm học 2018 – 2019
– Đạt giải Khuyến khích cuộc thi Tài năng Tiếng Anh cấp Tỉnh năm học 2018 – 2019
Những người vượt khó vươn lên học tập hầu hết họ đều gặp những khó khăn, bất hạnh trong cuộc sống. Đối với họ, cách giải quyết là đối mặt và cố gắng học tập, vì học mới có thể đưa họ thoát khỏi hoàn cảnh. Dù điều kiện không nhiều, họ vẫn chú tâm học hành với mong ước thay đổi được bản thân, gia đình và xã hội trong tương lai. Và họ chính là những tấm gương sáng giàu nghị lực, ý chí, không bị khó khăn làm cho khuất phục. Tôi mong muốn, Chi sẽ luôn giữ được ngọn lửa phấn đấu, vươn cao hơn nữa trong học tập.
“Ai cũng có khó khăn, thất bại, đừng nản lòng Chi nhé!”
Nguyễn Thị Hồng Nhung,
Học sinh lớp 9/5 – Trường THCS Nguyễn Bỉnh Khiêm
—————————————————————————————————
**CÂU CHUYỆN THÁNG 12/2019**
“TÔI YÊU NGÔI TRƯỜNG, NƠI TÔI ĐANG HỌC TẬP!”
“Có gì đẹp trên đời hơn thế
Người yêu người sống để yêu nhau”
Hai câu thơ của nhà thơ Tố Hữu như nhắc nhở rằng chúng ta, sống trên đời cần có lòng yêu thương để cuộc đời mỗi người trở nên tươi đẹp hơn. Lòng yêu thương sẽ giúp ta thấy cuộc sống này đáng sống, thấy được sự ấm áp của tình người. Với riêng em, thật tự hào và vinh hạnh biết bao khi em được sinh ra và lớn lên nơi mảnh đất phố cổ, với những con người mộc mạc, chân tình. Với cuộc thi viết “Thiếu nhi Hội An, những câu chuyện đẹp” sẽ có rất nhiều bạn, nhiều câu chuyện về tấm gương mẫu mực, về những lần con người đối xử tốt với nhau. Có thể, đó sẽ là một câu chuyện về bạn học sinh nào đó gia cảnh nghèo khó, nhưng biết cách vươn lên trong học tập. Có thể, đó sẽ là một câu chuyện nhỏ về một em bé giúp cụ già qua đường. Và câu chuyện đẹp em muốn nhắc đến ở đây, ngay trong bài viết này là những hoạt động của tập thể trường THCS Nguyễn Bỉnh Khiêm chúng em.
Ngôi trường thân yêu em đang học cũng giống bao ngôi trường cấp 2 khác, cũng có thầy cô miệt mài chèo lái con đò tri thức, cũng có bao thế hệ học sinh gặt hái nhiều thành công trong việc học tập. Thế nhưng, điều em cảm thấy ấm áp ở mái nhà thứ hai này là những hành động đẹp của thầy cô và các bạn học sinh thân yêu. Phong trào ủng hộ quỹ vì bạn nghèo đã và đang được diễn ra hết sức sôi nổi và đều đặn hàng tuần. Trong hoạt động này các đội viên hầu như đều tích cực tham gia đóng góp với một tinh thần tự nguyện, các bạn ấy luôn hành động theo phương châm “Lá rách ít đùm lá rách nhiều”, dù đó chỉ là khoản rất nhỏ từ việc tiết kiệm ăn quà vặt hàng ngày nhưng chính đó là một cử chỉ đẹp, là hành động thật ý nghĩa để có thể góp phần giúp đỡ các bạn học sinh khó khăn vươn lên, vượt qua hoàn cảnh để tự tin học tập và vươn xa hơn.
Ở mỗi câu chuyện cổ tích thơ mộng riêng của từng người, họ đều có một khát khao đặc biệt với một thứ mà họ từng được có. Và những người tật nguyền bẩm sinh cũng vậy. Họ khao khát có đôi mắt để nhìn rõ bầu trời cao xa. Họ khao khát có một đôi chân lành lặn. Không, họ không thể! Nhưng họ có gì? Là tài năng! Và tập thể đội viên trung học cơ sở Nguyễn Bỉnh Khiêm công nhận điều đấy ở họ, chúng em đóng góp quỹ vì họ, vì tài năng của họ. Chúng em mong muốn họ sẽ nhận lấy chút quỹ đấy và xem nó là nguồn lửa nhỏ, sưởi ấm trái tim của họ. Có vẻ như, hầu hết các lớp từ khối sáu, bảy đến khối tám, chín.. Lớp nào cũng sẽ có một vài bạn gia cảnh nghèo khó, hoặc vài bạn dị tật đôi chút. Và theo em được biết, dù cho các bạn ấy có khác biệt, đặc biệt hơn so với xã hội thì ở trong không gian ấm cúng của trường, của lớp, tất cả đều hòa nhập và xem nhau là một đình nhỏ.
Nói không với tẩy chay và một số vấn đề bạo lực học đường. Các bạn trong một lớp, từ thầy, cô giáo đến học sinh bình thường đều sẽ không có ghét bỏ bạn khi bạn có khiếm khuyết nào đó, họ sẽ làm mọi cách để giúp đỡ, động viên. Em muốn gọi tắt một cách ngắn gọn về nơi ấy là “Lớp học hạnh phúc”, nơi các thành viên được gắn bó, được chia sẻ nhiều điều hay từ học tập đến những kĩ năng cần thiết để hoàn thiện bản thân.
Ngoài ra Liên đội còn có phong trào “Nhặt được của rơi, trả lại người mất!” Đó là việc mà các bạn học sinh trung học cơ sở Nguyễn Bỉnh Khiêm thực hiện rất tốt. Điển hình là lớp 8/5 – Lớp luôn luôn trả lại những thứ quan trọng cho người mất, dù cho đó là số tiền nhỏ hay lớn. Cũng có nhiều học sinh nhặt được những món đồ có giá trị như khóa xe, ví, máy tính bỏ túi, …nhưng không, các bạn không lấy, nhất định phải trả lại đúng chủ của nó. Em thiết nghĩ, những hành động đáng quý đó sẽ giúp các em nhỏ hơn lấy đó làm gương noi theo, sẽ góp phần tươi đẹp hơn cho cuộc sống này.
Có một người Thầy mà tôi muốn nhắc đến, không chỉ riêng tôi cảm nhận được mà tôi nghĩ rằng tất cả các bạn học sinh đều nhận thấy được điều này ở Thầy. Đó là một tình thương, một sự bao dung khá lớn đối với sự ngỗ nghịch và đầy tinh ranh với lũ học trò chúng tôi. Tôi nghĩ là thầy biết hết thẩy những điều chúng tôi làm, thầy có thể đi xuyên qua suy nghĩ của mỗi chúng tôi nhưng thầy không lớn tiếng, quát mắng hay trừng phạt mỗi khi chúng tôi phạm lỗi mà Thầy luôn nhẹ nhàng, ân cần, chỉ bảo cho chúng tôi những điều hay lẽ phải, để mỗi chúng tôi tự nhận thấy rồi sửa chữa để mỗi ngày một trưởng thành hơn. Thầy tôi là thế đó, đã có biết bao thế hệ học trò của thầy là đàn anh, đàn chị của chúng tôi đã truyền tai nhau như thế, rằng “Thầy là người rất thương yêu học trò, luôn biết bảo vệ cho học trò được an toàn ở ngôi nhà thứ 2 này…”. Song, không phải vì thế mà thầy không nghiêm khắc đâu các bạn nhé, cái gì cũng có giới hạn của nó thôi, nếu bạn không biết nghe lời, không biết tu dưỡng đạo đức thì chẳng thể ai bảo vệ được bạn hết đâu nhé. Vâng! Và người thầy tôi muốn nhắc đến ở đây không ai khác mà chính là thầy hiệu trường trường tôi, thầy giáo Trần Hoàng.
Tôi thực sự may mắn và hạnh phúc khí được học tập ở ngôi trường Nguyễn Bỉnh Khiêm thân yêu này. Mong sao những hành động đẹp của thầy và trò trường chúng em sẽ có thể lan tỏa a một không gian rộng lớn hơn. Để Hội An thật sự là một “Hội An nhân tình thuần hậu” và thế giới này sẽ ngập tràn sự tin yêu, ấm áp.
Tác giả: Thạch Hoàng Oanh
Học sinh lớp 8/3 – Trường: THCS Nguyễn Bỉnh Khiêm
————————————————————————————————–
**CÂU CHUYỆN THÁNG 05/2020**
BÀI 1: “TRONG MÂY, TRĂNG RẰM VẪN SÁNG!”
Do ảnh hưởng của gió mùa đông bắc và đợt không khí lạnh tràn về, sáng nay thời tiết thay đổi đột ngột, trời rét đậm và có mưa, khắp người tôi tê buốt. Sáng thứ hai, trường tôi chỉ chào cờ nên học sinh được về sớm hơn mọi hôm. Đang xít xoa lòng bàn tay cho ấm và đợi mẹ đón, chợt nhìn thấy một cậu bé có thân hình nhỏ nhắn, đôi chân bé xíu, khuôn mặt gầy guộc và làn da trông vàng xạm quá, cậu ấy đang nhanh nhẹn lướt qua tôi. Nhìn cậu ấy tôi thấy vẻ không bình thường cho lắm, đôi mắt sâu đượm buồn như đang ẩn chứa nổi niềm nào đó, có lẽ cậu đang bị cóng, cả người run lên cầm cập, đôi môi tím ngắt đang níu chặt vào nhau. Cậu ấy có nhìn qua tôi một lát rồi tiếp tục bỏ đi, tôi hơi tò mò và bắt đầu đặt ra cho mình nhiều câu hỏi: Cậu ấy học lớp mấy? cậu ta bao nhiêu tuổi? mà sao trông cậu ấy bé thế! Thấy cậu ấy vừa đi bộ vừa vui đùa cùng bạn bên cạnh, tôi nghĩ có lẽ nhà cậu ấy cũng gần đây thôi. Nhìn cậu ấy đáng thương quá, cậu lạnh lắm đúng không?. Cảm xúc bàng hoàng và lo lắng lại dâng trào khắp người tôi, bỗng nhiên tôi muốn tìm hiểu về con người cậu ấy và muốn được giúp đỡ cậu ấy thật là nhiều, nhưng biết làm sao đây, cậu ấy đã đi đoạn thật xa, tôi vẫn hoài theo và không ngừng suy nghĩ về con người ấy. Bỗng có tiếng vỗ mạnh vào vai tôi, khiến tôi giật mình quay lại thì ra một bạn nữ học cùng khối, chúng tôi là bạn học chung trường khi còn học tiểu học.
– Thì ra, bạn cũng đợi bố, mẹ đón à? Bạn nữ hỏi tôi
– Có lẽ mẹ bận việc cơ quan nên đón trễ. Tôi trả lời bạn ấy
Bạn ấy hỏi tiếp:
– Sao bạn khóc vậy?
– Bụi bay vào mắt mình thì phải, tôi nhanh nhảu trả lời nhưng dường như bạn ấy không tin tôi và nói:
– Bạn đừng dối lòng mình nữa, mình biết bạn đang khóc và đang nghĩ về cậu ấy đúng không, bạn nữ đưa tay chỉ về nơi cậu ấy đã khuất xa.
– Cậu ấy học cùng khối chúng ta đó, lớp 6/4, tên cậu ấy là Nguyễn Văn Hòa, sinh năm 2004, tức lớn hơn chúng ta đến 4 tuổi nhưng cậu ấy vẫn còn như trẻ con vậy, chúng ta có thể gọi cậu ấy là bạn cho thân thiện hơn nhé.
– Bạn có muốn mình kể cho bạn nghe về gia cảnh và số phận nghiệt nghã của bạn Hòa không?
– Mình nghẹn ngào gật đầu. Cô bạn chậm rãi kể:
Trước đây, gia đình bạn ấy sinh sống tại thôn 4, Cẩm Nam một vùng quê nghèo, hẻo lánh thuộc khu di dời của thành phố chúng ta, do cùng xóm với nhà ngoại mình nên mẹ mình biết rất rõ về gia đình của bạn ấy. Gia đình cậu ấy nghèo lắm, cả ba thế hệ gồm: Bà, cha,mẹ và các con đều sống chung dưới một túp lều tranh không phênh che, đến khi trời mưa, bão gia đình họ không biết ẩn núp nơi đâu. Bố cậu ấy không có nghề nghiệp gì ổn định, đi làm thuê, không đủ tiền sinh sống phải nuôi con ăn học và nuôi mẹ già bị bệnh nằm một chỗ. Mẹ cậu ấy buôn bán nhỏ cũng chỉ đủ trang trải qua ngày. Bạn ấy có chị gái và bạn là con trai duy nhất nên cũng được bố, mẹ cưng chiều hơn. Gia đình họ tuy nghèo nhưng sống thật hạnh phúc và đầm ấm. Nhưng hạnh phúc đến với họ thật ngắn ngủi, khi bạn Hòa vừa bước sang tuổi thứ hai thì lại mắc bệnh tim, Bác sĩ cho biết do bạn ấy bị hẹp động mạnh chủ và không thể làm phẫu thuật cho bạn ấy được, bạn chỉ được uống thuốc điều trị và sống ngày nào hay ngày đó, căn bệnh này rất nguy hiểm luôn đe dọa đến sự sống của bạn ấy và tuổi thọ của bạn ấy chỉ kéo dài trong khoảng thời gian nhất định mà thôi.
Khi biết con trai mang căn bệnh này người bố đành để lại mẹ già, con thơ nơi quê nghèo và quyết đi thật xa để làm ăn mong kiếm thật nhiều tiền chữa bệnh cho con nhưng ở đất khách quê người, không người quen, không kiếm được việc làm, nên chẳng kiếm được tiền, người bố chán nản không muốn quay về quê. Lúc bấy giờ, gánh nặng gia đình đè lên đôi vai người mẹ này nào là cơm áo, gạo tiền, chăm sóc con đang bệnh nặng có tháng cậu bé ấy phải nhập viện đến 30 ngày mà lại không có tiền, mặc dù có người thân nhưng cũng không ai giúp được gì, Cô ấy chán nản gần như tuyệt vọng. Nhưng có lẽ tình yêu của người mẹ này dành cho con quá lớn đã giúp cô ấy trở nên mạnh mẽ và phi thường hơn. Cô suy nghĩ thật nhiều nếu như cô có mệnh hệ gì thì các con của cô sẽ sống như thế nào đây, chỉ có cô ấy mới mang đến hơi thở và nhịp đập cho cậu con trai bé bỏng này và cô đã đứng dậy đã lau thật khô dòng nước mắt và hứa sẽ không bao khóc nữa, cô cố ăn uống thật nhiều để lấy sức, tranh thủ lúc con khỏe, đem hàng gia công về nhà làm kiếm tiền mưu sinh qua ngày nhưng vẫn thiếu trước hụt sau.
Kể đến đây mẹ mình như nghẹn lại và nước mắt lại trào ra, mình đưa tay lau nước mắt mẹ và hai mẹ con siết chặt vào nhau, mẹ kể tiếp: Con biết không, thật xót xa, có hôm khi cậu bé vừa xuất viện về nhà, thời tiết thay đổi đột ngột làm cậu bé lại lên cơn, khó thở thì lại tiếp tục đưa vào bệnh viện. Thế là một thân một mình, trong lúc mọi người đang chìm trong giấc ngủ say, cô ấy phải vác con trai chạy bộ từ thôn 4 Cẩm Nam lên đến bệnh viện Đa khoa Hội An và đã rất nhiều đêm như vậy, vì không có tiền đi xe ôm cô ấy phải vác con chạy bộ trên đôi chân gầy guộc và chai sần của mình. Mặc dù, lúc đó có băng qua gai hay bước vào lửa bỏng thì cô ấy vẫn không biết đau hay biết nóng, vừa chạy vừa thở nhưng cô không biết mệt, mỏi là gì. Cô ấy chỉ biết ôm con chặt vào lòng áp sát vào nhau để truyền hơi thở cho nhau để hai con tim cùng chung nhịp đập và miệng luôn cầu trời, phật làm sao cho cô chạy thật nhanh để khi đến bệnh viện miễn là con còn thở là cô mãn nguyện lắm rồi. Thật tội nghiệp, vì khó thở nên phải ẵm cậu bé ấy suốt ngày lẫn đêm, vừa thả xuống cậu bé lại lên cơn, cô ấy vừa đói, vừa không được chợp mắt, giờ đây mắt côấy sưng lên và khô cạn, làn dahồng hào trước đây nay đãchuyển màu vàng và xạm xuống, bắt đầu xuất hiện nhiều nếp nhăn trông già hẳn đi so với tuổi, mặc dù lúc đó cô chỉ có 26 tuổi nhưng trông tuổi đã ngoài 50. Đã thế, cô ấy còn chăm con từng li từng tí, sạch sẽ, không rời con lấy nữa bước và không có người mẹ nào có thể so sánh được. Lúc con ngủ, ôm con vào lòng cô ấy tự nhủ: Con biết không, con là sự sống của mẹ, nếu con chết đi thì mẹ sẽ chết theo cùng con và mẹ còn hơi thở ngày nào thì con mẹ nhất định phải sống, mẹ sẽ không buông bỏ với bất kỳ lý do nào.
Và cứ như thế nỗi đau này nối tiếp nỗi đau kiacứ chồng chất và kéo dài trong suốt 10 năm trời, sức người đã cạn, thân xác rã rời nhưng dù ở chân trời hay góc biển, không có chỗ nào mà người mẹ không ẵm con tìm đến chữa trị cho con. Có lẽ sự hy sinh quá lớn của người mẹ hiền đã dành trọn tuổi thanh xuân của mình cho con và nỗi đau như xé lòng cùng với lời cầu nguyện của người mẹđã thật sự được đền đáp. Qua tuổi thứ 11, bệnh cậu bé không nặng như trước đây, cũng nhập viện nhưng không thường xuyên. Thấy vậy, người mẹ này muốn con được hòa nhập với cộng đồng nên cho con đi học, vì sức khỏe yếu, nên hồi học cấp một, nhà trường đã tạo điều kiện cho cậu ấy được lên lớp mỗi năm và cũng không gây áp lực về thành tích học tập của bạn ấy. Nhìn thấy con được ngày ngày cắp sách đến trường, cười cười, nói nói bên thầy cô và vui đùa cùng bạn bè là cô ấy vui mừng khôn siết, đó cũng chính là nỗi khát khao lớn nhất trong cuộc đời làm mẹ của cô ấy và cũng nhờ niềm vui này đã làm cho bệnh của cậu bé dần dần bớt đau phần nào.
Sau thời gian bỏ nhà ra đi, bố cậu ấy cũng trở về nhà, gia đình họ đoàn tụ và cậu ấy có thêm một người em gái. Gia đình cậu ấy không còn sống ở Cẩm Nam nữa nay đã được di dời và hiện đang sinh sống tại phường Tân An, thành phố Hội An. Để cậu bé ấy được khỏe mạnh, được cắp sách đến trường như bao bạn bè khác thì không ai khác ngoài người mẹ này bà đã không ngừng làm việc và không kểđó là ngày hay đêm miễn sao kiếm được tiền để bù đắp những tháng ngày mất mát mà tuổi thơ cậu bé ấy phải gánh chịu. Mẹ cậu ấy nói:Đã 16 tuổi rồi mà chỉ biết nói, cười như đứa trẻ lên 3, trả lời ấp a, ấp úng được vài câu đơn giản, ngây thơ. Nhìn cậu bé như vậy chứ sức khỏe yếu lắm, mỗi khi trở trời thấy con quằn quại, lòng tôi đau như cắt và lúc nào cũng hoang mang lo sợ sự sống của con còn kéo dài được bao lâu và nếu một ngày nào đó cậu bé rời bỏ tôi mà ra đi mãi mãi thì cuộc sống của tôi sẽ như thế nào đây.
Bạn ấy vừa dứt lời, cũng vừa lúc mẹ tôi đến đón, mắt tôi vẫn còn ướt và đỏ hoe, trên đường về, trời càng lúc càng mưa to. Ngồi trên xe, lòng tôi nặng trĩu lặng thinh không nói một lời. Cứ ray rứt và suy nghĩ mãi về câu chuyện mới vừa được nghe. Không dấu được cảm xúc, ăn cơm xong tôi kể ngay cho mẹ nghe lại toàn bộ câu chuyện trên và nói với mẹ về cảm xúc của mình và thật sự muốn tiếp cận và giúp đỡ bạn ấy. Nghe xong, mẹ xoa đầu tôi khẽ nói: Con gái mẹ nay đã lớn thật rồi, đã biết yêu thương và chia sẽ với những mảnh đời kém may mắn . Mẹ thật xúc động và rất cảm thương cho số phận của cậu bé đó nhưng phải nói một điều là cậu bé ấy thật may mắn vì đã có một người mẹ như cô ấy. Cô ấy đã đánh đổi đến mạng sống của mình, bất chấp tất cả, không buông bỏ với bất kỳ lý do nào để đem đến sự sống cho con, sự hy sinh ấy không thể nói hết bằng lời, với mẹ đó là người mẹ vĩ đại nhất và khó có thể tìm ra người mẹ thứ hai trên thế gian này. Việc chăm sóc con khi ốm đau hay bệnh tật là chuyện bình thường của biết bao người mẹ. Nhưng trong trường hợp của cậu bé này đã thật sự làm rung động hàng triệu triệu con tim của những người đã và đang làm mẹ. Và hôm nay chính con cũng đã làm mẹ cảm động rất nhiều bởi lẽ con gái mẹ ngày càng trưởng thành, biết quan tâm và suy nghĩ về người khác và nỗi đau của người khác đã thật sự chạm vào trái tim của con, mẹ rất vui sướng và tự hào vì đã có con gái như con và đây cũng chính là điều mẹ luôn mong muốn nhất ở con. Con hãy ghi nhớ điều này nhé: Sau này con có muốn làm bất cứ một việc gì đi nữa thì điều trước tiên con phải biết làm người, vì chỉ có con người mới có tình yêu thương bao la, có trái tim nhân hậu, luôn sống vì mọi người, biết chia sẻ,cảm thông với nỗi đau của người khác. Nếu con làm được điều này, mẹ chắc chắn sau này con nhất định sẽ hạnh phúc.
Mẹ lấy tay lau khô nước mắt tôi và lòng tôi tràn ngập hạnh phúc nhưng vẫn không khỏi bàng hoàng, lo nghĩ về hình ảnh của người bạn ấy cùng người mẹ tuyệt vời kia. Suốt đêm đó tôi không tài nào chợp mắt được, tôi cứ thổn thức và suy nghĩ thật nhiều tại sao những tấm gương sáng và những câu chuyện đẹp mang đậm tính nhân văn lại có thực và gần gũi ngay trước mắt chúng ta như thế này mà sao chúng ta lại không kể ra để cộng đồng và xã hội cùng biết và chia sẽ. Bên cạnh những hình ảnh đẹp và thầm nặng này thì đâu đó vẫn còn những người mẹ đành dứt bỏ con mình khi còn đỏ hỏn. Theo tôi nghĩ hình ảnh hai mẹ con cậu ấy đã bị mờ nhạt và ít người quan tâm đến. Có lẽ vẫn còn nhiều bạn trong trường không hề biết về những con người đáng thương này. Bạn ấy đang là học sinh ngay tại ngôi trường mình đang học và cũng chính là bạn cùng khối, nhìn bạn ấy đang mang căn bệnh hiểm nghèo không một ai có thể lạnh lùng lướt qua được, bạn ấy đáng thương lắm, sự sống mong manh luôn de dọa bạn ấy từng giờ, từng ngày. Ngay giờ đây, không lúc nào khác bạn ấy rất cần sự quan tâm của tất cả các thầy cô, bạn bè, các nhà hảo tâm, các mạnh thường quân, chính quyền địa phương bằng những tấm lòng vàng giúp cho bạn ấy vượt qua khó khăn để được có sức khỏe để bạn ấy được có quyền ước mơ những hoài bảo về tương lai và khát khao về cuộc đời này như bao bạn trẻ khác.
Hình ảnh của người mẹ thầm lặng ấy đã hằn sâu trong ký ức của tôi và không thể nào xóa được, cảm ơn ông trời đã ban cho bạn ấy người mẹ như vậy, nếu không có những vết chân chim cùng những nếp nhăn nheo in hằn trên gò má và đôi mắt quầng thâm, sâu thẳm kia thì có lẽ giờ đây chúng ta sẽ không còn nhìn thấy được nụ cười hồn nhiên, vô tư như một thiên thần của cậu ấy.
Cũng kể từ đó, tôi sợ lắm mỗi lúc trở trời, thời tiết lại thay đổi, cảm giác chờ đợi khắc khoải điều gì đó nhưng thật đáng sợ, lạitrông lúc tan trường, trông mẹ đón trễ để được nhìn thấy những bước chân lê la trên vỉa hè, vẫn hoài theo chiếc bóng mong manhmặc cho đã khuất xa.Cũng tại nơi đây, chỉ còn lại mình tôi với nỗi khát khao cháy bỏng là ước gì có được phép màu sẽ giúp bạn ấy thoát khỏi căn bệnh quái ác này và tôi vẫn huy vọng điều ước của tôi sẽ trở thành hiện thực./.
Tác giả: Nguyễn Hoàng Ny – Lớp 6/5- Trường THCS Nguyễn Bỉnh Khiêm
BÀI 2
Đối với mỗi người, nhất là học sinh sẽ luôn có rất nhiều kỉ niệm ấn tượng với thầy cô, trường lớp và bạn bè. Bởi mỗi ngày đến trường là một ngày vui. Trước đây tôi suy nghĩ rất trẻ con, hay quậy phá , suy nghĩ lêch lạc. Những bây giờ đã khác hẳn, tôi suy nghĩ chín chắn hơn, ham học hơn, hòa đồng với bạn bè hơn Tôi nhận thức được như vậy là nhờ một thầy giáo đã truyền cảm hứng cho tôi. Thầy tên là Văn Viên – giáo viên dạy môn âm nhạc của trường tôi đã về hưu, thầy là một người dạy học với cả tấm lòng nhiệt huyết, vui tính. Năm nay thầy đã ngoài sáu mươi tuổi, thầy mới về hưu được hai tháng. Thầy thường mặc chiếc áo sơ mi màu xanh đến trường, mái tóc thầy bạc phơ trông thầy rất giản dị . Ảnh thầy trong một buổi sinh hoạt ở trường.
Mỗi khi đến giờ âm nhạc, dường như bạn nào cũng rất thích vì thầy giảng bài rất dễ hiểu. Mỗi khi có bạn nào gặp khó khăn thầy ân cần giảng lại, tiết học nhạc luôn trôi qua một cách nhẹ nhàng nhưng sâu lắng. Tiết học của thầy đều mang những tiếng cười bởi trong giờ thầy luôn tạo ra những niềm vui cho chúng tôi. Có thể ai cũng nghĩ môn Nhạc là một môn năng khiếu , ai có năng khiếu mới học được , Nhiều cậu học trò tinh nghịch còn hay nói vu vơ nghe những nốt nhạc mà không hiểu như “ Đàn gõ vào tai trâu” Thế nhưng không, được thầy giảng dạy các bạn lớp tôi hát rất hay lại còn rất am hiểu về nhạc lý nữa chứ. Lạ thay cứ mỗi khi đến tiết của thầy lớp chúng tôi lại hào hứng vui vẻ, không còn uể oải chán nản nữa. Đôi khi, trong giờ học thấy chúng tôi bơ phờ, thầy ngưng lại bài học khoảng 5 phút để nói cho chúng tôi nghe những chuyện thực tế. Trong 5 phút ấy dường như mọi mệt mỏi đều tan biến, chúng tôi chăm chú nghe thầy nói, thầy nói rất nhiều chủ đề khác nhau về thực tế cuộc sống, xã hội và sự định hướng cho tương lai. Cô vừa dạy lại vừa giải trí.
Giọng nói của thầy như thôi miên cuốn hút tôi, cô nói đến đâu tôi thấm thía đến đấy, những lời nói của thầy rất ý nghĩa. Tôi càng nghĩ càng thấm, dường như cô đang hỗ trợ tôi về mặt tinh thần. Cứ như thế những tiết học trôi qua tôi càng thấy yêu quý và kính trọng thầy hơn.
Thầy đơn giản từ bên ngoài cho tới tâm hồn. Thầy rất thương học sinh và hài hước. Từ một học sinh rất ghét học môn Âm nhạc thì tôi đã trở nên yêu thích môn học đó rất nhiều. Những lời thầy nói rất ý nghĩa, về nhà tôi suy nghĩ lại, xâu chuỗi lại lời nói của thầy tôi rút ra được rất nhiều bài học. Tôi đã biết định hướng cho tương lai của mình là gì. Thầy đã giúp chúng tôi trở thành những người biết suy nghĩ, biết định hướng cho tương lai của mình.
Thầy thường hay nói với chúng tôi: “Thành công không phải tự đến mà là cả một quá trình nỗ lực của một con người”. Câu nói ý nghĩa ấy luôn khắc sâu trong tâm trí tôi. Những hình phạt của thầy đối với chúng tôi thì rất là nặng, không như những hình phạt của các thầy cô khác như tưới cây, dọn vệ sinh… Hình phạt của thầy rất kì lạ, thầy sẽ cho những câu nói của những người nổi tiếng có ý nghĩa sâu sắc để cho chúng tôi chép phạt. Với tôi hình phạt đó rất tốt để cho chúng tôi thay đổi, trở thành một người học trò giỏi và có nhân cách tốt.
Tôi vẫn nhớ một lần cô dặn lớp tôi về soạn bài trước nhưng khi đến tiết thầy. chúng tôi lại chưa chuẩn bị khiến thầy rất thất vọng và tức giận. Chúng tôi đã phụ lại kì vọng của thầy, tuy vậy thầy vẫn hăng say giúp chúng tôi hiểu rõ về bài học. Lớp chúng tôi đã tự nhắc nhở sau phải chuẩn bị bài cho tốt để không khiến thầy phải thất vọng về chúng tôi nữa…
Thầy hát rất hay, mỗi khi thầy hát mọi người rất thích nghe. Mỗi lần hát là thầy tự đàn ghi ta. Một loại nhạc cụ mà mình rất thích. Vừa rồi, nhân dịp ngày nhà giao Việt Nam 20/11, thầy đã dành tặng toàn trường một bài hát rất hay. Khi vừa cất lên tiếng hát mình nghe giai điệu thật ấm áp, làm say lòng người.Thầy không chỉ là một người giáo viên dạy nhạc mà còn là nhạc sĩ .Thầy đã sáng tác hai bài hát nói về quê hương thành phố Hội An. Đúng là thầy rất tuyệt .
Có lẽ tôi không thể nào quên được hình ảnh người thầy đã dạy dỗ tôi nên người.Tuy thầy đã về hưu nhưng hình ảnh thầy cần đọng mãi trong tâm trí tôi. Thầy đã để lại biết bao kỉ niệm trong lòng tôi và các bạn.
Em xin gửi lời cảm ơn đến với thầy – người đã dạy dỗ chúng em thành những con ngoan trò giỏi. Em tự hứa sẽ luôn vâng lời cô học tập thật tốt không phụ tấm lòng nhiệt huyết mà thầy dành cho chúng em. Em kính chúc cô sức khỏe dồi dào, luôn hạnh phúc bên gia đình và thành đạt hơn trong nghề nhà giáo và đưa những chuyến đò qua sông.
Tác giả: Lê Thị Ngọc Diễm
Học sinh lớp 7/3 – Trường THCS Nguyễn Bỉnh Khiêm.
——————————————————————————————————
**CÂU CHUYỆN THÁNG 06/2020**
BÀI 1: “CÔ GIÁO! NGƯỜI ĐÃ TRUYỀN LỬA CHO TÔI”
Trường THCS Nguyễn Bỉnh Khiêm nơi tôi đang học là một ngôi trường THCS thuộc khối Tân Lập, phường Tân An, thành phố Hội An,tỉnh Quảng Nam. Nơi mà ở đó, chúng em được vui chơi, học tập, khám phá nhiều điều mà mình yêu thích.Nơi mà chúng em luôn cảm thấy mỗi ngày đến trường đều là một ngày vui. Các thầy cô giáo luôn luôn gần gũi,yêu thương, lắng nghe và chia sẻ với chúng em.
Có một nghề bụi phấn bám đầy tay
Người ta bảo đó là nghề trong sạch nhất
Có một nghề không trồng cây vào đất
Mà mang lại cho Đời đầy “trái ngọt hoa tươi”!
Vâng đó chính là nghề giáo, một nghề hết sức cao quý và lớn lao. Cô đã đến với chúng em dịu dàng, ân cần từ đầu năm lớp bảy. Tôi vẫn nhớ như in cái dáng vẻ hiền lành của cô khi bước vào lớp, giọng nói ấm áp của cô khi cô nói cô sẽ là giáo viên dạy môn Công dân của lớp chúng tôi.
Đó là cô giáo Huỳnh Thị Xuân – cô cũng đã ngoài năm mươi tuổi, cái tuổi có lẽ cũng chẳng còn khỏe mạnh, cái tuổi mà đã cảm thấy dấu hiệu của tuổi già, vậy mà cô luôn vui vẻ và tràn đầy sức sống, lúc nào cũng thấy cô với nụ cười trên môi. Ngày nào cũng như ngày nào, cô đến trường, cô luôn tìm mọi cách , mọi phương pháp để giáo dục cho đám học trò chúng tôi , chúng tôi yêu quý cô bởi những tiết học sôi nổi, không còn nhiều cảnh cô đọc trò chép nữa. Chúng tôi được hòa mình vào từng bài giảng bằng cách đóng vai, đàm thoại, thảo luận nhóm,…Chưa có một tiết học nào làm cho lớp tôi chán nản. Nhờ những tiết học đó cô trò chúng tôi gần gũi và hiểu nhau hơn. Cô lấy nhiều ví dụ trong cuộc sống để dạy cho chúng tôi biết trung thực, biết sống giản dị, làm những điều hay điều tốt…Vì thế mà môn Gíao Dục Công Dân là môn học mà lớp chúng tôi yêu thích.Vừa dạy, cô vừa hăng hái tham gia công tác của nhà trường,từ công tác công đoàn, công tác chữ thập đỏ, hiến máu tình nguyện, các hội thi, các hoạt động thể dục thể thao… hoạt động nào cũng không thể thiếu bóng dáng của cô.
Cô luôn quan tâm, đến nhà tìm hiểu và giúp đỡ các bạn học sinh nghèo, các bạn có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn.Cô luôn là người cảm hóa các bạn học sinh chưa ngoan bằng tình cảm, nhờ thế mà các bạn ngày càng tiến bộ hơn. Điều đáng quý là trong bất cứ hoàn cảnh nào cô luôn khiêm nhường, tận tụy và dìu dắt chúng em.
Đối với tôi, cô Xuân là một cô giáo giỏi và giàu tình thương.Tôi học được ở cô lòng nhiệt tình và trái tim nhân ái. Cô đã thắp lên ngọn lửa yêu thương cho thế hệ học sinh chúng em. Cảm ơn cô, một nhà giáo đã viết nên câu chuyện đẹp giữa đời thường! Một nhà giáo tận tụy, say mê cống hiến cho sự nghiệp trồng người cao cả.
Nếu một mai tôi không còn là một đứa trẻ, một mai phải rời xa gia đình và nhà trường để thử thách mình trên quãng đường còn lại thì tôi sẽ không quên đâu, cô Xuân – cô đã cho tôi những bài học thật ý nghĩa.
Tác giả: Nguyễn Thị Thanh Hiền – Lớp 7/5
Liên đội Trường THCS Nguyễn Bỉnh Khiêm
BÀI 2: “XÂY DỰNG TƯ DUY THEO CÁCH TỰ CHỦ”
Cuộc sống luôn vận động và phát triển không ngừng. Nó đòi hỏi mọi người phải vận động để theo kịp sự phát triển của xã hội. Vận động luôn luôn trong việc học, việc làm, việc phát triển khả năng bản thân. Nhưng quan trọng nhất là con đường học tập, chỉ có học hỏi mới cho ta phương tiện để phát triển toàn diện.Trong học tập, mỗi người đều có một cách học riêng, phù hợp với điều kiện và khả năng của mình. Qua kinh nghiệm bao đời, tự học là phương pháp hiệu quả nhất.Tuy nhiên ngày nay, việc đi học thêm nhiều trường lớp khác của các bạn học sinh như “cực hình” vì lịch học dày đặc, đi lại nhiều lần, thậm chí giờ học sát nhau làm các bạn không ăn, không ngủ. Nhưng phương pháp đó chưa hẳn là tốt, nếu bản thân có khả năng tự học, hãy xây dựng kiến thức mà tự mình làm chủ. Có một tấm gương về khả năng tự học của một cô bạn cùng lớp với tôi – Hồ Thị Minh Trâm, lớp 9/5 Trường THCS Nguyễn Bỉnh Khiêm.
Minh Trâm là một cô bạn cùng lớp, được cả lớp tín nhiệm bầu làm Lớp phó học tập với mong muốn bạn sẽ là người giúp đỡ công việc học của các bạn trong lớp. Thật vậy, mọi người mến Trâm vì bạn là người tốt bụng, khiêm tốn, sẵn sàng giúp đỡ nếu có người gặp chuyện khó khăn. Bạn làm lớp phó học tập suốt 4 năm liền, từng sự cố gắng của bạn dành cho cả lớp luôn được ghi nhận qua kết quả học tập. Một cô gái bên ngoài nhỏ nhắn, giản dị nhưng tính cách bên trong lại vô cùng mạnh mẽ, tư duy và tự chủ.
Trâm yêu thích tổ hợp các môn Tự Nhiên tư duy – tính toán vì vốn dĩ trong bạn luôn có sự nâng cao về suy nghĩ, thích “va chạm” với những con số. Không chỉ như thế, bạn còn giỏi về các môn Xã Hội như: Văn, Sử, Địa,… Trâm luôn sắp xếp thời gian học tập hợp lí để hoàn thành việc soạn bài và học bài. Tuy không tốn quá nhiều thời gian đi học thêm nhưng thành tích học tập rất tốt:
– Nằm trong top 16 đội tuyển HSG Hóa kì thi Học Sinh Giỏi cấp TP năm học 2018 – 2019
– Hoàn thành tốt môn Hóa Học trong HK1 đạt 10 phẩy.
– Đạt được 9 phẩy cả năm học, đứng trong top 10 của lớp năm học 2018 – 2019
Không là xuất sắc nhưng Minh Trâm luôn cố gắng từng ngày, tự khuyến khích và cho bản thân động lực tìm hiểu, học hỏi qua sách vở cơ bản và sách vở nâng cao. Một bạn nữ không quá cầu kì về ngoại hình, Trâm trong tưởng tượng của các bạn cùng lớp nổi bật với hình ảnh tự rèn luyện khả năng tư duy, tự học và tự nâng cao chính mình. Không chỉ riêng Trâm mà ngày nay, mỗi bạn học sinh cần noi gương theo tấm gương tự học của Chủ Tịch Hồ Chí Minh. Cuộc đời và sự nghiệp cách mạng của Bác Hồ là tấm gương sáng ngời về tinh thần tự học, tự nghiên cứu, tự rèn luyện. Tự học đã làm nên thiên tài. Người là hiện thân của một chí hướng học tập và tu dưỡng suốt đời vì mục tiêu độc lập cho dân tộc, tự do cho Tổ quốc và hạnh phúc của nhân dân.Trong bài nói chuyện tại Hội NghịNghiên Cứu Lịch Sử Đảng của Ban Tuyên GiáoTrung Ương ngày 28-11-1959, Bác Hồ có nói: “Chúng ta phải học, phải cố gắng học nhiều. Không chịu khó học thì không tiến bộ được. Không tiến bộ là thoái bộ. Xã hội càng đi tới, công việc càng nhiều, máy móc càng tinh xảo. Mình không chịu học thì lạc hậu, mà lạc hậu là bị đào thải, tự mình đào thải mình…” Vậy nên tôi hy vọng, bản thân mình và các bạn thanh thiếu niên sẽ ngày ngày học tập và làm theo lí tưởng của Bác để phát triển đất nước có kiến thức vững mạnh.
Nguyễn Thị Hồng Nhung,
Học sinh lớp 9/5 – Trường THCS Nguyễn Bỉnh Khiêm