“Thằng hâm” là cái tên mà bạn bè, đồng nghiệp gọi tài xế Grab Trần Văn Quí ( 32 tuổi) từ khi anh treo cái biển chạy xe ôm miễn phí giúp người nghèo trên xe.
Chúng tôi gặp anh Quí vào giữa trưa, lúc anh vừa đóng ứng dụng Grab và bắt đầu nhận chạy những chuyến xe miễn phí. Giữa hàng trăm người đang đi trên đường, chúng tôi dễ dàng nhận ra anh bởi tấm bảng to tướng gắn trước xe. Dòng chữ “Xe từ thiện chở học sinh, sinh viên, người tàn tật. 5km không thu phí” được dán gọn gàng khiến người đi đường ai nấy đều trầm trồ lạ lẫm.
Ấn tượng đầu tiên của chúng tôi về anh là nụ cười hiền lành, chất phác. Khi được khen, anh hồn nhiên vừa lau mồ hôi vừa khoe “Nhờ nụ cười hiền mà lấy được vợ đấy!”.
Thương cha mẹ vất vả nuôi 5 anh em, anh Quí quyết tâm theo cha mẹ lên Sài Gòn mưu sinh. 16 tuổi, anh đã bắt đầu làm mướn, làm thuê để kiếm tiền trang trải cuộc sống và học nghề sửa xe máy. Suốt mười mấy năm bôn ba, anh nhìn thấy quá nhiều mảnh đời bất hạnh, những người nghèo khó đến mức tiền đi xe ôm cũng không có mà đi. Nhiều lần, chứng kiến các cụ già vì tiếc tiền xe ôm phải đi bộ mấy km về nhà anh liền chở giúp. Từ đó, anh nung nấu ý tưởng chở miễn phí cho những ai cần.
Đến đầu năm 2018, anh Quí bén duyên với nghề chạy Grab. Cũng từ đây, anh có cơ hội thực hiện nguyện vọng của mình. Thỉnh thoảng, trong giờ nghỉ trưa, những buổi vắng khách, anh chở giúp trẻ em mù, bà cụ già bán vé số, người tàn tật… Ban đầu, người ta còn e dè từ chối đi xe anh vì sợ bị lừa, nhưng thấy anh thân thiện ai cũng thầm yêu quý. Có những người khách ngày nào cũng đợi anh tới chở giúp.
Cứ như thế, mỗi ngày, anh Quí bắt đầu công việc từ 7h sáng đến gần 22h đêm, chạy tất bật vài chục chuyến anh kiếm được 200.000 – 300.000 đồng/ngày. Thời gian còn lại anh dành để chở miễn phí và sửa xe miễn phí cho người lỡ đường. Bạn bè, đồng nghiệp lúc đầu còn trêu ghẹo anh nào là “thằng hâm”, việc nhà lo chưa xong còn lo chuyện bao đồng, chạy không công vợ con ở nhà tiền đâu mà sống Những lúc như vậy, anh chỉ biết cười trừ chứ không trả lời.
Trò chuyện với chúng tôi, anh Quí nói: “Mỗi ngày, tôi kiếm được số tiền đó là vừa đủ để lo cho vợ con rồi. Tôi hài lòng với cuộc sống dù vất vả nhưng có thể hỗ trợ cho nhiều người có hoàn cảnh kém may mắn hơn mình. Nghĩ vậy, cứ rảnh giờ nào, tui chạy miễn phí giúp người ta. Ai nói gì nói, vợ con tui ủng hộ tui là được. Thương người như thể thương thân mà”.
“Tôi thấy mình đã khổ mà nhiều người còn khổ hơn tôi. Đối với những người nghèo, người tàn tật… số tiền mười mấy ngàn cũng giúp họ có bữa cơm đàng hoàng”, anh Quí tâm sự.
Sợ nhiều người nghèo, người tàn tật họ không biết mình có chở miễn phí, anh Quí bèn đi làm hai tấm biển ghi rõ chở miễn phí gắn một cái trước xe, một cái ở phía đuôi xe cho dễ nhận diện. Trong đó ghi rõ chở miễn phí cho người nghèo, người già, người tàn tật, sinh viên nghèo. Tất cả các chuyến dưới 5km đều không lấy tiền.
“Vậy mà, vì tấm biển đó tui mất khá nhiều khách. Hơn một tuần nay, tui bị khách hủy chuyến liên tục vì họ không thích đi xe có gắn biển miễn phí”, anh Quí nói giọng buồn rầu.
Anh kể lại, cách đây mấy ngày, anh nhận chuyến đón khách trước cổng một trường đại học lớn. Lúc anh đến nơi, hành khách thấy anh ngồi trên xe có gắn cái biển chở miễn phí thì hủy chuyến rồi rồi bỏ đi. Lần khác, anh vừa báo khách đã đến điểm đón và mô tả xe mình cho khách nhận diện thì cũng lập tức bị hủy chuyến.
“Có lẽ khách hàng họ chưa hiểu cho mình, cũng chưa quen đi trên chiếc xe như vậy. Tui tin là sau này, khi họ hiểu ra họ nhất định sẽ quay lại ủng hộ tui”, anh Quí nói với chúng tôi đầy lạc quan.
Anh cũng tâm sự, những ngày tới đây, anh sẽ thường xuyên đến các cổng bệnh viện lớn như Bệnh viện Chợ Rẫy, Bệnh viện Chấn thương chỉnh hình… với mong muốn sẽ gặp những người thực sự cần chuyến xe miễn phí của mình.
“Tui cũng là người ở tỉnh lên nên tui hiểu, nhiều bệnh nhân, người nhà bệnh nhân ở quê lên “lạ nước lạ cái”. Họ thậm chí không dám gọi xe ôm vì sợ tốn tiền”, anh Quí chia sẻ.
Nói rồi, anh mở Facebook khoe ảnh hai đứa con trai song sinh sắp tròn hai tuổi cùng người vợ hết lòng ủng hộ anh chở xe ôm miễn phí những ngày qua. “Tui hi vọng rằng khi các con tui lớn, tụi nó cũng ủng hộ và làm được như vậy là tui vui lòng”, anh vừa nói vừa cười hiền.
Đâu đó ở Sài Gòn, vẫn có những nụ cười thật ấm áp!